(HBĐT) - Dời bến cảng Bích Hạ, lênh đênh trên tàu hơn 3 tiếng, chúng tôi mới đến Tân Dân, 1 trong 3 xã vùng hồ Hòa Bình của huyện Mai Châu. Tiếp chúng tôi tại trụ sở Đảng uỷ, UBND xã, Chủ tịch UBND xã Tân Dân Đinh Văn Đốc chia sẻ: "Đi đường bộ chắc chắn giờ này các anh chưa đến nơi. Sau cơn bão số 2 vừa rồi nhiều đoạn bị sạt lở, đi lại khó khăn lắm. Mặc dù từ xã lên huyện chưa đầy 60 km nhưng để dự họp đúng giờ, anh em chúng tôi phải đi từ 5 giờ sáng mới kịp. Đó chính là vấn đề nan giải nhất trong phát triển KT-XH trên địa bàn”.
Không chỉ khó khăn về giao thông, vùng đất dưới
là hồ nước, trên là đồi, núi với độ dốc cao nên tìm hướng để bứt phá trong phát
triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiện vẫn là bài toán chưa có lời giải đối
với xã Tân Dân.
Là xã thuần nông với 579 hộ, 2.240 nhân khẩu nhưng
toàn xã chỉ có 78 ha lúa, 120 ha ngô và một số diện tích dong riềng, sắn,
khoai. Do vậy, đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề khá nan giải ở Tân Dân, vì
năng suất vụ mùa ở đây chỉ đạt 30 tạ/ha, vụ chiêm - xuân khoảng 25 tạ/ha. Chăn
nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở quy mô nhỏ lẻ. Đa số hộ
dân nuôi lợn, dê, trâu, bò theo phương thức thả rông. 5/9 xóm có diện tích mặt
hồ, nhưng ngoài đánh bắt thủy sản thì nuôi cá lồng mới chỉ manh nha với tổng số
hơn 100 lồng cá.
Theo Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Đốc, trồng luồng bán
cây làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy và bán măng hiện là nguồn thu nhập
chính của các hộ dân. Hầu hết các hộ đều trồng luồng, với diện tích trên 1.300
ha. Tuy nhiên, làm ra sản phẩm đã khó, tiêu thụ càng khó hơn vì cả hai tuyến
đường bộ, đường thuỷ đều xa xôi cách trở, giá bán thấp hơn so với các địa
phương khác. Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa và vật tư thiết yếu như gạo,
giống cây trồng, phân bón đưa về đến xã đều cao hơn các nơi khác từ 25-30%.
Nhất là việc đi lại ở các xóm Bang, Đá Đỏ vẫn chỉ là đường dân sinh, khó khăn
càng chồng chất. Từ thực tế đó, đến nay, thu nhập bình quân ở Tân Dân mới đạt 8
triệu đồng/ người/ năm, tương ứng với hơn 650.000 đồng/người/tháng. Toàn xã có
258 hộ nghèo và 258 hộ cận nghèo, chiếm 70,81%. Đời sống còn nhiều khó khăn,
trình độ dân trí hạn chế nên toàn xã chỉ có trên 20% hộ có nhà ở kiên cố, hơn
10% có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 chưa được
ngăn chặn. Bởi vậy, trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM, cấp
uỷ, chính quyền xã Tân Dân vẫn loay hoay tìm hướng nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho
người dân.
Cũng như các xã vùng hồ khác trên toàn tỉnh, 37 năm
trước (1980) các hộ ở Tân Dân trải qua những năm tháng vô cùng gian nan, vất vả
khi phải dời xa quê cha, đất tổ để nhường ruộng vườn, nương rẫy cho công trình
thế kỷ với tinh thần "Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Được sự quan tâm của
Đảng và Nhà nước, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây
dựng. Đến nay, đường ô tô đã đến hầu hết các xóm, 99% hộ dân được dùng điện
lưới quốc gia, trên 80% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trạm y
tế và trường lớp học đều được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.
Trong khó khăn, vất vả, thiếu thốn, đội ngũ cán bộ,
đảng viên và người dân Tân Dân đã, đang nỗ lực vươn lên từng bước ổn định và
nâng cao đời sống. Tiêu biểu là Bí thư Đảng uỷ xã Bùi Thanh Điển, đi đầu gương
mẫu trong phát triển kinh tế với đàn dê hơn 200 con. CCB Đinh Văn Cường, ở xóm
Tôm kiên trì làm giàu từ nghề nuôi ong, gà, dê, cá lồng với thu nhập gần 200
triệu đồng/năm.
Đây còn là vùng đất có những con người giàu nghị lực
và có tấm lòng cao đẹp chia sẻ khó khăn vì đàn em nhỏ. Đó là các thầy giáo Hà
Mạnh Quyết, Đinh Phương Bắc, cô giáo Vi Thị Hương Giang ở trường THCS xã Tân
Dân. Ngoài giờ lên lớp, ngày ngày họ mải miết chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ
của học trò. Chúng tôi thật sự ấn tượng và xúc động trước hình ảnh các thầy, cô
giáo đêm đêm mò mẫm bên những chiếc vó bè dưới lòng hồ để cải thiện bữa ăn cho
học sinh. Nghĩa tình cao đẹp ấy đã tạo sức lan tỏa cho học sinh và các bậc phụ
huynh với mái trường còn nhiều gian khó, để nhiều năm qua, 100% học sinh trong
độ tuổi ở Tân Dân miệt mài đến trường, đến lớp.
Chia tay chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Bùi Thanh Điển
trăn trở: Mặc dù đã có khởi sắc, nhưng Tân Dân
đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện vẫn còn một bộ
phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ
được giao. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc, chất lượng và thực
hiện quy hoạch phát triển sản xuất còn hạn chế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi chậm. Một bộ phận dân cư còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Đặc biệt là giao thông rất khó khăn, nhất
là đường giao thông tới các xóm, bản... Thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của
cấp ủy, chính quyền, nhân dân, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục
quan tâm đến đặc thù của xã vùng cao, vùng xa, vùng lòng hồ trong đầu tư phát
triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp xã giảm bớt khó khăn, phát huy
được tiềm năng, thế mạnh, ngày càng phát triển.
Đức
Phượng