Cán bộ tín dụng cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xã Hạ Bì (Kim Bôi) kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng.
Nhằm tạo cho người nghèo thói quen tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có, ngay khi có chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV, ngân hàng đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Tại các tổ vay vốn, cán bộ tín dụng đã xuống địa bàn hướng dẫn, giải đáp mọi khúc mắc của người dân về chương trình này. Đồng thời, rà soát lại 397 tổ vay vốn trong toàn huyện để từng bước nâng cao chất lượng các tổ vay vốn và phối hợp với các hội, đoàn thể ở xã họp dân bàn bạc thống nhất về mức tiền gửi tại các tổ. Tiền gửi tiết kiệm có tác dụng đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi cho NHCSXH và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Thủ tục tiết kiệm đơn giản, người gửi có thể trực tiếp rút tại điểm giao dịch hoặc tại phòng giao dịch. Sau 7 năm triển khai, đến nay, sản phẩm tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV của NHCSXH được coi là sản phẩm tiền gửi ưu việt nhất hiện dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Đồng chí Lê Việt Hà, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kim Bôi cho biết: Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện được thực hiện từ năm 2009. Để triển khai hiệu quả, NHCSXH đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho họ có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân. Với những nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ từ huyện đến các xã, thôn, chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Đến hết tháng 8/2017, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 13.805 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn huy động tiền gửi tổ viên qua tổ TK&VV 6.896 triệu đồng. Đến nay, 100% hộ vay vốn đều có số dư tiền gửi tiết kiệm. Có thể thấy, người dân đã từng bước tạo thói quen tiết kiệm gắn với trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện ngày càng tốt mục tiêu mở rộng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Tích tiểu thành đại, chính người nghèo đã giúp người nghèo bằng cách đó.
P.V