(HBĐT) - Tiếng hô hào của những người đàn ông đang dựng lại ngôi nhà sàn gỗ cho các hộ dân ở khu tái định cư (TĐC) Tân Hương thuộc xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) vang lớn giữa vùng núi non, sông hồ là âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe được khi thuyền cập bến. Xóm Nhạp sau hơn 3 tháng bị mưa lũ lịch sử tàn phá đang dần hồi sinh để kịp đón Tết cổ truyền của dân tộc với sự vào cuộc khẩn trương của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân.


 

Đường giao thôngkhu tái định cư Tân Hương, xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) được cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp Tết của nhân dân.

 

Tháng 10/2017, cơn lũ dữ khiến 52 hộ dân xóm Nhạp mất nhà cửa, tài sản, cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng. Chỉ 2 ngày sau đêm chạy lũ kinh hoàng, 25 hộ dân với 108 nhân khẩu của xóm được chuyển sang khu ở mới và nay là khu TĐC Tân Hương. Những hộ còn lại tại khu Rên không di chuyển nơi khác mà tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi có mặt tại khu TĐC Tân Hương, xóm Nhạp cùng đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh vào ngày 30/1. Anh Quách Công Hưng, Trưởng xóm Nhạp cho biết: "Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã giúp người dân trong xóm với bớt khó khăn khắc phục hậu quả mưa lũ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã phần nào được ổn định”.

Trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, việc tái thiết sau thiên tai cho người dân xóm Nhạp đang được gấp rút hoàn thành. ở khu TĐC Tân Hương, người dân đã có đường điện ổn định và nguồn nước tự chảy hợp vệ sinh để sử dụng. Mặt bằng của khu đã san ủi, các lô đất được chia đều cho từng hộ. Đường đi đã cứng hóa được 50%. Với sự hỗ trợ của chính quyền xã, LLVT huyện Đà Bắc và người dân trong xóm, khoảng 20 hộ đã được di chuyển sang nơi ở mới để dựng lại nhà. Các hộ bị mất nhà hoàn toàn sẽ được bố trí ở xen ghép tạm thời và xây nhà mới vào dịp sau Tết, đảm bảo không có hộ dân nào phải ăn Tết trong lều bạt.

Chúng tôi đến thăm chi trường mầm non của xóm, cô giáo Hà Thị Oanh cho biết: "Chi trường mới được dựng bằng khung sắt với diện tích khoảng 150 m2, lợp bằng mái tôn. Hiện chi trường đã đi vào hoạt động được hơn 2 tuần với 17 cháu ở khu Tân Hương. Còn hơn chục cháu ở khu Rên đang học nhờ tại nhà dân do đường sá đi lại khó khăn. Các cháu đi học đảm bảo ăn no, mặc ấm vì có đủ chăn, màn do các đoàn từ thiện hỗ trợ. Thực phẩm chưa sẵn có nên chúng tôi lấy từ chi chính ở trung tâm xã lên nấu bữa ăn cho các cháu. Việc đi lại đều bằng đường sông nên rất hạn chế”.

Tại một góc nhỏ của xóm, những món hàng tạp hóa ít ỏi của gia đình chị Xa Thị Nhiệt cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc của một vùng đất mới. Chị Nhiệt tâm sự: "Nhà tôi trước kia bán hàng tạp hóa nhưng mất trắng sau lũ. Nay phải dựng lại nhà để làm quán, mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu nên khó khăn nhiều lắm. Mong sao các cấp chính quyền từ T.ư tới địa phương quan tâm hơn nữa, giúp bà con khu TĐC được đón Tết an lành, tiếp thêm động lực cho người dân đoàn kết vượt lên mất mát”.

Người dân khu TĐC Tân Hương đã cơ bản khắc phục được vấn đề lớn nhất là nhà ở và điện, đường, trường. Tuy nhiên, ở khu Rên vẫn còn nhiều khó khăn khi hơn 100 nhân khẩu chưa có điện để sử dụng. Nhiều diện tích đường bị sạt lở nặng vẫn trong quá trình khắc phục. Các em học sinh cấp tiểu học của cả 2 khu đều phải học nhờ chi trường ở xóm khác. "Mong muốn lớn nhất của người dân khu Rên là cấp ủy Đảng, chính quyền nhanh chóng khắc phục đường điện giúp bà con thoát khỏi cảnh thắp nến và dùng đèn dầu để sinh hoạt hàng ngày khi Tết đến, xuân về. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân xóm Nhạp về cơ sở hạ tầng và giống vật nuôi, cây trồng, phát triển thủy sản để đảm bảo sinh kế lâu dài”, Trưởng xóm Quách Công Hưng gửi gắm.

Trong chuyến thăm, chúc Tết người dân xóm Nhạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh đã ân cần thăm hỏi, động viên nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục từng bước những khó khăn. Đồng chí khẳng định, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, giúp đỡ để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất và nỗ lực hết sức chăm lo Tết cho nhân dân.

Thanh Sơn


Các tin khác


Ấm lòng Tết người nghèo giữa thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Những ngày giáp Tết, mọi người, mọi nhà rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. ở đâu đó tại thành phố Hòa Bình vẫn còn những gia đình gia đình hoàn cảnh khó khăn. Đối với họ, những lời chúc, động viên và những món quà Tết được trao không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, sự đồng cảm, sẻ chia đối với những số phận còn nhiều khó khăn trước thềm năm mới.

Bản Dao đón Tết sớm

(HBĐT) - Không giống những dân tộc khác, người Dao Quần Chẹt có phong tục đón năm mới rất độc đáo, mang nét đặc trưng của dân tộc mình. Theo truyền thống, người Dao ăn Tết sớm (Tết Nhăng Chậm) bắt đầu từ ngày mùng 2 và kéo dài đến hết ngày 29 tháng chạp. Vừa hoàn tất lễ cúng gia tiên cho gia đình ông Triệu Sinh Minh ở bản Tiến Lâm 1 (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong), thầy cúng Lý Kim Xuân cho biết: Trong những ngày Tết, để mâm cỗ cúng tổ tiên được tươm tất, ngoài việc chuẩn bị thịt lợn, thịt gà và rượu thì không thể thiếu món bánh dày. Khi thầy cúng tới, mỗi mâm cỗ bắt buộc phải có từ 1 đến 2 đĩa bánh dày. Đối với lễ cúng, nếu diễn ra ở nhà tổ (nhà trưởng tộc, trưởng họ lớn) thì cần tới 4 hoặc 5 thầy cúng làm lễ. Với những gia đình thuộc thế hệ sau hoặc các chi nhỏ hơn thì chỉ được mời 1 thầy cúng.

Đi về nơi đong đầy cảm xúc

(HBĐT) - Theo chuyến xe chở "nghĩa tình” của Trường Mầm non tư thục Sao Mai, tôi có mặt ở xã Đoàn Kết (Đà Bắc) vào đúng tâm điểm của đợt lạnh giá. Xúc động, đồng cảm, đó là cảm xúc chủ đạo khi nghe, nhìn về cuộc sống, sinh hoạt của người ở nơi vùng đất khó này.

Chất lượng, giá cả chiều lòng người tiêu dùng

(HBĐT) - Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã đến rất gần. Thị trường đào, quất, cây cảnh Tết vào mua sôi động. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nô nức ghé đến các địa điểm trưng bán đào, quất, hoa cảnh Tết để thăm quan, mua sắm phục vụ thú chơi Tết sớm.

Hạnh phúc khi được sẻ chia

(HBĐT) - Nhờ sự giúp đỡ của Câu lạc bộ Thiện nguyện Hòa Bình, các Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh, Tết này, gia đình bé Đinh Công Kiều, xóm Ngau, xã Phú Vinh (Tân Lạc) đã có ngôi nhà mới khang trang. Kể từ đây, gia đình bé không còn nơm nớp nỗi lo căn nhà bị sụp đổ trong những ngày mưa, ngày gió nữa.

Tết sớm nơi vùng lũ Mường La

Sau hơn 5 tháng xảy ra trận lũ quét lịch sử, nhiều nơi trong huyện Mường La (Sơn La), đến nay vẫn còn ngổn ngang. Ở nơi lũ quét đi qua, tổn thất nặng nề về người và tài sản, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay, góp sức sẻ chia của cộng đồng, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần ổn định trở lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục