Một giờ học dành cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Khoa học Công nghệ kỹ thuật - Giáo dục tỉnh
Lớp học buổi sáng gồm 20 trẻ đều trong lứa tuổi mầm non. Do đặc điểm của trẻ tự kỷ là hay bị mất tập trung và khả năng ghi nhớ kém nên các cô giáo khá vất vả khi dạy dỗ trẻ. Theo chia sẻ của cô Đặng Thị Linh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trẻ tự kỷ giống như chiếc hộp đóng kín, thời gian đầu, các bác sĩ, giáo viên rất khó khăn trong việc tiếp cận trẻ. Vì vậy, mỗi giáo viên khi chăm sóc phải quan sát các em để hiểu rõ hơn sở thích và những điều trẻ không thích, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em, từ đó lựa chọn phương pháp phù hợp giúp trẻ thích thú với việc học. Trung bình phải mất từ 1-2 tháng để trẻ thích nghi với môi trường mới. Đối với trẻ được phát hiện, can thiệp sớm trước 4 tuổi, để có thể học, hòa nhập cần can thiệp từ 1- 2 năm. Những trường hợp phát hiện muộn hơn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.
Chị Đỗ Thị Hạnh, giáo viên tại Trung tâm chia sẻ: Dạy trẻ mắc chứng tự kỷ, các cô giáo đều thừa nhận, chính bọn trẻ giúp mình kiên trì, nhẫn nại hơn. Tuy vất vả, mệt mỏi nhưng hầu hết cô giáo ở Trung tâm đều yêu thương, kiên trì với học trò vì họ biết rằng, mình đang chia sẻ thiệt thòi với các em và nỗi đau của các bậc cha mẹ. Nhiều lúc mệt nhưng khi thấy các em làm được điều gì mới mình cảm thấy vui lắm. Có hôm kết thúc buổi học các em nói: "Con cảm ơn cô” làm mình xúc động muốn trào nước mắt.
Hằng ngày, bất kể nắng, mưa, giá rét hay giông bão, ông Bùi Đức Nhịp, trú tại xóm Bèo, xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi lại đưa cháu nội là Bùi T.Đ., 5 tuổi đến Trung tâm học tập. ông tâm sự: Từ khi cháu còn nhỏ gia đình đã cảm nhận cháu Đào có dấu hiệu bất thường, thường xuyên làm theo ý, tự làm tổn thương mình, hỏi không trả lời, nói không nghe. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi T.ư thăm khám, sau khi phát hiện cháu bị tự kỷ, gia đình vô cùng hoang mang, lo lắng. Được các bác sĩ giới thiệu về đây để điều trị, mới được 3 tháng nhưng cháu đã tiến bộ lên nhiều. Đã biết thưa gửi khi người khác hỏi chuyện, giờ cháu đã đi học, hòa đồng với bạn bè, gia đình mừng lắm.
Trung tâm Khoa học Công nghệ Kỹ thuật – Giáo dục tỉnh mới ra mắt từ tháng 11/2017 nhưng đã có nhiều trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 18 tuổi theo học. Tiền thân của Trung tâm là lớp giáo dục đặc biệt "Hy vọng” do chị Đặng Thị Linh hiện là Giám đốc trung tâm chủ trì. Trung tâm ra đời là cơ hội cho nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ và tăng động giảm chú ý khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Chị Linh cũng là người mẹ có con bị tự kỷ, sau một thời gian đồng hành cùng con tại Khoa Tâm bệnh – Bệnh viện Nhi T.ư, thấy con ngày càng tiến bộ, chị quyết định tham gia một khóa học phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, tăng động, giảm chú ý. Trong quá trình học tập, được thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh, nguyên Trưởng Khoa Tâm bệnh tạo điều kiện giúp đỡ, chị đã hoàn thành khóa học và tiếp tục theo học tại Khoa Giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng Sư phạm T.ư. Ngoài ra, chị thường xuyên tham gia các buổi hội thảo khoa học trong nước và quốc tế để học tập kinh nghiệm. Với kiến thức có được, chị trở về quê hương nhận can thiệp cho một số trẻ có cùng cảnh ngộ.
Để những gia đình có trẻ tự kỷ không phải tìm về Hà Nội khám vừa tốn kém, vừa mất thời gian hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều mô hình phát hiện sớm - can thiệp sớm và giáo dục đặc biệt cho trẻ em có dấu hiệu tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ như trung tâm Khoa học công nghệ kỹ thuật – giáo dục tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 4/3, tại NVH xóm Trung, xã Trung Minh (TP Hòa Bình), Thành Đoàn tổ chức lễ khởi động Tháng thanh niên năm 2018. Tham dự có đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn, thành phố Hòa Bình và 400 ĐV-TN, học sinh trên địa bàn.