(HBĐT) - Hoạt động cầu kinh, sinh hoạt diễn ra tập trung trong căn phòng kín, kéo rèm cửa, người tham gia sẽ không có khái niệm về ngày, đêm. Trong căn phòng này, họ được xem các clip về sự thần kỳ của Đức Chúa Trời, được nghe tuyên truyền về "Ngày tận thế”, cùng ăn bánh và uống nước thánh. Mưa dầm thấm lâu, người tham gia hội này sẽ dần xa rời thực tế, không còn khái niệm chính xác về cuộc sống thật, không còn muốn sống cùng gia đình.


Trên địa bàn tỉnh ta, một số người có trình độ, có hiểu biết nhất định đã bị cuốn vào vòng xoáy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ và đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát mặc cho gia đình, người thân đã nỗ lực làm mọi cách có thể.

Nỗi lòng của người mẹ có con gia nhập Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ 

Đó là một người phụ nữ am hiểu, sành sỏi, quen biết rộng. Các con là niềm hy vọng lớn nhất nên chị luôn quan tâm, sát sao từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học hành. Giữa năm 2017, khi đứa con trai đầu đang học đại học ở Hà Nội về nhà nghỉ cuối tuần, thấy chị thắp hương ngày mồng 1 đã nói rằng "Con không ăn đồ cúng”. Chị giật mình và linh cảm chuyện chẳng lành. Chị kiên nhẫn tìm hiểu và chết lặng khi biết rằng, sau khi tham gia một buổi hội thảo có tên là "Đỉnh cao trí tuệ” tại Hà Nội, được cho ăn uống một số thứ thì con chị đã gia nhập Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Từ đó đến nay, chị lặn lội về Hà Nội, rồi đến các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thậm chí theo con đến tham dự những buổi thuyết giảng, cầu nguyện ngay trên địa bàn TP Hòa Bình để tìm cách giúp con thoát khỏi tà đạo này.

Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, gần 2 tiếng đồng hồ, bằng tất cả sự lo lắng, bức xúc, xen cả tuyệt vọng, chị đã kể cho chúng tôi nghe về việc con trai mình bị lôi kéo rồi thay đổi vì tà đạo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ ra sao. Đặc biệt là về trải nghiệm của chị khi thâm nhập vào điểm sinh hoạt của Hội này tại tổ 21, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình.

Chị cho biết: Muốn con mình thoát khỏi tà đạo, tôi đã quyết tâm tìm hiểu xem nó như thế nào, vì sao mà cháu lại mu muội nghe theo như thế. Cháu gia nhập hội ở Hà Nội nhưng được giới thiệu là ở TP Hòa Bình thì có thể đến sinh hoạt, cầu nguyện tại nhà chị H, tổ 21, phường Hữu Nghị. Vào một sáng thứ bảy, tôi đã cùng con trai đến đó. Tại đây, tôi được 2 thanh niên lạ mặt và 1 chị là giáo viên trường THPT trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thuyết giảng, tuyên truyền về các nghi lễ, về "Ngày tận thế” và việc cần phải tham gia Hội thánh, phải lôi kéo được nhiều người khác tin, tham gia theo thì sẽ được Chúa ban ơn cứu chuộc, được lên thiên đường. Họ cũng cho tôi xem các clip có nội dung như ô tô chèn qua người mà vẫn hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh và cho rằng, nhờ ơn thánh nên mới được như vậy. Họ đưa ra những luận điệu, quan điểm rất kỳ quái như: không được thắp hương vì đốt hương là đốt quê hương, đốt đường trở về quê hương; không thờ tượng Phật; bát hương có hình rồng rắn là ma quái nên không được thờ cúng; không sinh hoạt vợ chồng (nếu 2 người không cùng vào hội). Con người là do Đức Chúa Trời nặn từ đất và hà sinh khí cho linh hồn chứ không phải do cha mẹ sinh ra. Đặc biệt, tại đây tôi được họ mời ăn một loại bánh như bánh khảo và mời uống loại nước có màu đỏ. Hầu như ai đến đây cũng ăn uống loại bánh và nước này. Có lẽ do dạo này bị các lực lượng chức năng ráo riết kiểm tra, nhắc nhở nên đối tượng H. không tập trung đông người mà tổ chức tuyên truyền theo nhóm, mỗi nhóm từ 3 – 5 người, cứ nhóm này về thì nhóm khác lại đến. Tôi gặp khá nhiều học sinh còn mặc nguyên áo có phù hiệu các trường trên địa bàn thành phố.

Nhân dịp con về nghỉ lễ đợt 30/4 - 1/5 vừa qua, chị phải dùng đến giải pháp là đưa con đến gặp các đồng chí công an có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh tôn giáo để trao đổi. Mặc dù đã được phân tích, khuyên nhủ nhưng con trai chị vẫn kiên quyết sẽ tiếp tục tham gia sinh hoạt Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Chị càng đau lòng hơn khi các đồng chí cán bộ an ninh nhận định: "Tuy mới gia nhập nhưng cháu đã ngấm sâu tà giáo và khá kiên định với việc tiếp tục theo tà giáo”.

Kết thúc đợt nghỉ lễ, chị đưa con trở về trường và hàng ngày thường xuyên gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để nắm bắt tình hình của con. Chị rất lo lắng nhưng không dám to tiếng, nặng lời với con, không dám cấm đoán. Chị đau lòng vì con trai đã thay đổi tính nết rất nhiều sau khi tham gia tà giáo và giờ đây, mỗi ngày trôi qua, chị nơm nớp sợ sẽ mất con bởi tà đạo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Ngăn chặn sự xâm nhập của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Câu chuyện, sự bức xúc, lo lắng của người mẹ nêu trên chỉ là một trong khá nhiều nỗi sợ hãi, bất lực mà chúng tôi đã được tiếp cận khi thu thập thông tin cho bài viết này. Tôi đã gặp sự bức xúc của người dì khi đến tận nhà đối tượng H. để đón cháu về. Tôi đã gặp gia đình vì "hết cách” đã phải nhờ đến xã hội đen đến làm ầm ĩ và kéo người thân từ nhà đối tượng H. về... Những gia đình chúng tôi đã tiếp xúc có người thân tham gia tà giáo đều cho biết, những người đã tham gia Hội này dường như bị "tẩy não”, thay đổi tính tình, trở nên ngang bướng, lì lợm và đã sa vào thì rất khó thoát khỏi tà đạo. Càng nguy hiểm hơn khi trong danh sách 34 người đang tham gia hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại nhà đối tượng H. có đến hàng chục học sinh, thậm chí có cả học sinh lớp 12 một trường THPT có tiếng của tỉnh. Màu áo trắng đồng phục học sinh xuất hiện trong các hoạt động của tà giáo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ thực sự là hồi chuông báo động đặc biệt.

Tại cơ quan công an, chúng tôi đã được xem một số giấy tờ cho thấy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang có biểu hiện hoạt động hệ thống, tinh vi, bài bản. Những người đứng đầu, người trực tiếp tham gia lôi kéo, dụ dỗ có ý thức chủ động trong việc đối phó, chống đối khi chính quyền kiểm tra và "hợp pháp hóa” việc dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia, nhất là đối tượng học sinh.

Đặc biệt thời gian qua, nhân dân, phụ huynh rất bức xúc với việc hoạt động truyền giáo trái phép của một giáo viên trường THPT Phú Cường, huyện Kỳ Sơn. Cô giáo dạy bộ môn Sinh học này đã có lần lồng ghép tuyên truyền về Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ trong giờ giảng bài trên lớp. Sự việc đã bị phát hiện, nhắc nhở, kiểm điểm. Tuy nhiên đến nay, đối tượng được đánh giá là "cánh tay đắc lực” của Bùi Thị H. vẫn tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Hiện nay, dư luận cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng hoang mang với sự lây lan, mở rộng hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, đặc biệt là khi Hội này nhắm đến mục tiêu là học sinh, sinh viên. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ cho biết: Để ngăn chặn tà giáo xâm nhập thì điều quan trọng là chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các vấn đề liên quan đến Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, nhất là tác hại của tà giáo này. Mỗi gia đình nâng cao cảnh giác với hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền để từ bỏ cuộc sống hiện thực và gia đình. Chính quyền các địa phương, nhân dân cũng nên nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước của khu dân cư để ngăn ngừa tà đạo xâm nhập. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần sát sao quan tâm đến học sinh, con em; kịp thời tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ, động viên con em chú tâm học tập, không bị rủ rê, lôi kéo tham gia tà đạo. Những gia đình có con em đang học tập, công tác ngoại tỉnh cùng cần quan tâm, lưu ý đến tâm tư, đời sống sinh hoạt của con em để tránh bị dụ dỗ. Việc tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sẽ có những tác động tiêu cực đến xã hội nhưng trước tiên là gây tan vỡ, rối ren, hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thẫn mỗi gia đình, do đó việc ngăn chặn trước tiên phải là ở chính mỗi gia đình.

Đặc biệt, xét ở góc độ pháp luật, thượng tá Phí Mạnh Thành, Phó trưởng phòng PA88, Công an tỉnh khuyến cáo: Hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan này sẽ vi phạm Luật Tín ngưỡng tôn giáo (Điều 24, 38, 39); Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hoạt động có thể bị xử lý hình sự theo tội "hành nghề mê tín dị đoan; tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng người khác; tội lợi dụng các quyền dự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân” (Điều 320, 164, 331, Bộ luật Hình sự năm 2015). Ví dụ nếu bị kết tội là hành nghề mê tín dị đoan theo khoản C, điểm 2, Điều 320 - Bộ luật Hình sự thì có thể bị phạt tù từ 3 – 10 năm. Do đó, người dân cần hết sức tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác để không bị rủ rê, lôi kéo tham gia tà đạo mang nặng tính mê tín dị đoan, vụ lợi và nhiều tác hại này.

 

                                                                                          Ngọc Minh

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục