(HBĐT) -Một mùa mưa nữa lại đến, hai chiếc cầu treo dân sinh ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) vốn đã hư hỏng nặng, nay lại thêm chòng chành, rệu rã. Đã có không ít trường hợp bị lọt cầu, rơi xuống sông Bưởi nhưng vì nhu cầu đi lại, người dân nơi đây vẫn phải cắn răng "làm xiếc” mỗi ngày.
Trên cầu treo Hai ót, xã Chí Đạo (Lạc Sơn), những ván gỗ chắp vá bị mục nát, gãy rụng xuống sông tạo thành những khoảng trống tử thần.
Cũng như bao người dân khác ở xóm Be Trên, hàng ngày, bà Bùi Thị Hường phải đi lại nhiều lần trên cầu treo. Biết là nguy hiểm nhưng vì ruộng vườn đều ở phía bên kia sông Bưởi nên bà vẫn phải qua cầu trong nỗi lo âu. Bà Hường chia sẻ: "Một năm không biết bao nhiêu lần bà con chúng tôi chặt cây tre, cây bương để sửa cầu. Thế nhưng, lượng người qua lại rất đông nên sửa được một hai tháng, mặt cầu lại bị hỏng. Chúng tôi không nhớ nổi là có bao nhiêu người đã bị rơi xuống cầu. Mới cách đây 1 - 2 tháng cũng có 3 trường hợp gặp nạn khi đi qua cầu. Mặc dù chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên, nếu không được sửa chữa thì chẳng ai có thể nói trước được”.
Mùa mưa là khoảng thời gian người dân nơi đây lo lắng nhất. Bởi, mưa xuống, cây cầu chòng chành càng thêm trơn trượt, những khúc tre, ván gỗ cũng bị mục nát nhanh hơn. Ngoài cầu Be Trên, xã Chí Đạo còn có cầu treo Hai ót. Cây cầu này kết nối 2 xóm ót Trên và ót Dưới của xã Chí Đạo. Đồng thời, nối xã Chí Thiện, Phúc Tuy với tỉnh lộ 436 nên lưu lượng người qua lại đông không kém cầu Be Trên. Đưa vào sử dụng năm 2012, chỉ sau 2 năm, những ván gỗ trên mặt cầu treo Hai ót đã nhanh chóng bị mục nát và hư hỏng hoàn toàn. Hiện, những ván gỗ chắp vá trên mặt cầu là do người dân hai xóm ót Trên và ót Dưới góp nhau gia cố.
Theo ông Quách Văn Thắng, Phó trưởng xóm ót Trên cho biết: So với cầu treo ở xóm Be Trên, cây cầu này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Mặc dù mặt cầu được làm bằng gỗ nhưng hầu hết đều là gỗ tạp nên tuổi thọ rất ngắn. Những tấm gỗ mục nát nếu bị gãy tạo ra những khoảng trống lên tới 40 cm. Thế nên, mối nguy hiểm luôn rình rập bà con khi lưu thông qua cầu. Trong đó, nguy hiểm nhất là những đứa trẻ hàng ngày phải đi qua cầu để đến trường. Nếu không có người lớn đưa qua thì nguy cơ bị rơi xuống sông luôn hiển hiện.
ông Bùi Văn Nhung, xóm ót Trên đã chứng kiến và trực tiếp cứu hộ nhiều vụ xe máy bị lọt xuống cầu. Do nhà ở ngay đầu cầu nên ông chẳng hôm nào ngủ ngon giấc. Buổi sáng sớm, buổi trưa, thậm chí là lúc 2 - 3 giờ sáng vẫn có người gọi kêu cứu. ở vị trí cầu Hai ót, lòng sông Bưởi sâu đến 7 mét, nếu không biết bơi thì khi rơi xuống khó mà giữ được tính mạng. Chính tại vị trí này đã có 7 trường hợp bị đuối nước. "Nhà tôi ở ngay gần cầu nên nghe mọi người kêu cứu thì không thể làm ngơ được. Với tình hình xuống cấp như hiện nay, việc lưu thông qua cầu rất nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, sửa chữa lại mặt cầu để an tâm đi lại”, ông Nhung bày tỏ.
Để đảm bảo an toàn, người dân nơi đây đề xuất được các cấp hỗ trợ, thay thế mặt cầu bằng các tấm thép. Bởi, các hạng mục khác của cả hai cây cầu vẫn còn khá chắc chắn. Theo đồng chí Quách Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết, chi phí làm mặt cầu bằng tấm thép ước tính trên 200 triệu đồng /cầu. Với vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KT -XH và những hiểm nguy luôn rình rập, việc sửa chữa cây cầu là hết sức cấp thiết, nhất là khi mùa mưa bão đã đến.
Viết Đào