Vở kịch "Về đâu ngôi vị thủ lĩnh của em” do các em huyện Yên Thủy biểu diễn nói về tình trạng bạo hành trẻ em.
Nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi từng thành viên trong cộng đồng xã hội góp sức xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn, đảm bảo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dễ bị tổn thương, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân Tháng hành động vì trẻ em. Trong đó phải kể đến hoạt động phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức sự kiện hưởng ứng sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - cần bạn, cần tôi, cần cả thể giới”. Đây là dịp để trẻ em thực hiện quyền tham gia, bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề bạo lực thân thể đối với trẻ em.
Vở kịch "Về đâu ngôi vị thủ lĩnh của em” do các em huyện Yên Thủy trình diễn đã lột tả được diễn biến tâm lý của một học sinh. Từ một cô bé học giỏi nhất lớp, nhất khối, do bị bố mẹ đánh, mắng nhiều, không tin tưởng đã học hành sa sút. Quẫn trí, cô bé đã bỏ nhà ra đi. Lúc này, bố mẹ đã hiểu ra, đưa cô bé về. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cô giáo, bạn bè, tình yêu thương của bố mẹ, cô bé đã vui vẻ trở lại, học hành chăm chỉ và tìm lại ngôi vị thủ lĩnh của mình.
Tại sự kiện còn có nội dung tọa đàm về chủ đề bạo lực thân thể trong gia đình và trường học. Lãnh đạo các sở, ngành chức năng và các đại biểu xúc động trước chia sẻ của chị Quách Thị Tương, huyện Lạc Sơn về hoàn cảnh của 2 người cháu. Bố mẹ bỏ nhau, 2 cháu suốt ngày bị bố đánh đập, không cho ăn uống. Có lần bố say rượu phát hiện các cháu đi xin ăn đã trói các cháu vào cột đánh đến bất tỉnh, hất nước vào mặt cho tỉnh rồi đánh tiếp. Cũng nhờ hàng xóm phát hiện kịp thời, can ngăn, chị Tương là bác đã đem 2 cháu về chăm sóc, nuôi dưỡng… Em Hà Thị Cươm, học sinh lớp 8A, trường tiểu học & THCS xã Pù Bin (Mai Châu) cũng kể về cảnh em được tận mắt chứng kiến một bạn cùng trường vì học bị điểm kém đã bị bố cầm roi đánh giữa đường. Em rất thương bạn...
Đó chỉ là số ít trong những vụ bạo hành thân thể trẻ em trong thực tế được bày tỏ tại sự kiện. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh, trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ xâm hại trẻ em với 36 đối tượng, trong đó có 12 vụ hiếp dâm, 5 vụ giao cấu, 4 vụ dâm ô với trẻ em, 4 vụ cố ý gây thương tích cho trẻ em. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ xâm hại trẻ em với 13 đối tượng, trong đó có 9 vụ hiếp dâm, 2 vụ giao cấu với trẻ em. Đáng nói, nhiều vụ nghiêm trọng như chú ruột hiếp cháu gái 7 tuổi xảy ra ở xã Xuất Hóa (Lạc Sơn), bố đẻ hiếp con gái ở xã Bình Sơn (Kim Bôi), ông nội hiếp cháu gái 10 tuổi ở xã ân Nghĩa (Lạc Sơn) hay vụ hiếp dâm do quen biết qua mạng xã hội xảy ra tại xã Phong Phú (Tân Lạc)… biểu hiện sự xuống cấp đạo đức, lối sống.
Đồng chí Cao Văn Hà, Giám đốc các chương trình miền Bắc của Tổ chức Tầm nhìn thế giới cho biết: Mục đích của sự kiện hưởng ứng sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - cần bạn, cần tôi, cần cả thể giới” nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực thi tốt luật pháp và chính sách liên quan. Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của mọi thành phần trong xã hội, từ đó thôi thúc từng thành viên hành động để chấm dứt bạo lực thân thể trong gia đình và ngoài trường học - hai môi trường có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển toàn diện và quá trình hình thành nhân cách ở trẻ em.
Sự kiện hưởng sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - cần bạn, cần tôi, cần cả thể giới” khép lại bằng hoạt động lãnh đạo các sở, ngành, các huyện và các em học sinh ký cam kết hành động chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để sáng kiến đạt được kết quả cao cần thực hiện một số nội dung: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và các văn bản liên quan. Có kế hoạch hưởng ứng sáng kiến tại mỗi địa phương. Tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng - chống bạo lực, xâm hại cho trẻ. Tiếp tục kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em các cấp; duy trì và phát huy tốt vai trò, chức năng của các Văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng, trường học; tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có yêu cầu. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn nhằm cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn, phòng - chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Hương Lan