Cùng với bể bơi mini trong trường học, các bể bơi tại cộng đồng thu hút đông đảo học sinh phổ thông tham gia học bơi. (ảnh: Học sinh tiểu học tham gia học bơi dịp hè tại bể bơi của Trung tâm hoạt động thanh - thiếu niên tỉnh).
Trường THCS thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) là đơn vị giáo dục tiên phong thực hiện mô hình "Phòng - chống đuối nước cho học sinh trong nhà trường” và được đánh giá cao. Bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, sau khi kết thúc năm học 2016 – 2017, nhà trường đã đầu tư một bể bơi di động có thể tích 62,8 m3 và tổ chức 2 lớp dạy bơi cho 57 em học sinh. Sau hơn 1 tháng học, các em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội và phòng tránh đuối nước, ý thức rõ được ý nghĩa của việc học bơi là để rèn luyện sức khoẻ và bảo vệ bản thân, từ đó tuyên truyền cho bạn bè và gia đình cùng hiểu biết thêm về mô hình thiết thực này.
Được biết, để thực hiện tốt mô hình, ngay trong năm đầu tiên, Ban Giám hiệu trường THCS thị trấn Thanh Hà đã quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT về công tác phòng - chống thương tích, phòng - chống đuối nước trẻ em; đồng thời tham mưu với Ban chỉ đạo công tác sinh hoạt hè của địa phương để phối hợp vận động học sinh học bơi vào dịp hè. Sau khi tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nhà trường đã mở một cuộc khảo sát nhỏ để nắm được danh sách cụ thể học sinh đã biết bơi và chưa biết bơi trong nhà trường cũng như khu vực thị trấn. Kết quả cho thấy: Trong tổng số 258 học sinh đang học tại trường, mới có 30 em biết bơi - một số lượng quá ít. Bên cạnh đó, số liệu do Ban Chỉ đạo công tác sinh hoạt hè của địa phương cung cấp cho thấy, số trẻ em đã biết bơi trong độ tuổi thiếu niên và nhi đồng cũng rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do thời điểm đó trên địa bàn thị trấn Thanh Hà chưa có một bể bơi nào hoạt động.
Xuất phát từ thực tế trên, nhà trường đã tích cực triển khai mô hình và nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh, nhân dân trên địa bàn và lãnh đạo địa phương. Đây được đánh giá là một môi trường học tập kỹ năng sống bổ ích, an toàn và thân thiện dành cho học sinh trong nhà trường cũng như các học sinh khác trong khu vực. Dự kiến trong những năm tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai mô hình này, phấn đấu có khoảng 80% học sinh trong trường và nhiều học sinh trong khu vực tham gia học bơi, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Theo Sở GD&ĐT, hiện nay, mô hình dạy bơi trong trường học đang bước đầu được nhân rộng nhằm trang bị cho các em học sinh những kỹ năng cần thiết giúp rèn luyện sức khỏe và bảo vệ bản thân tránh khỏi nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Hiện, cùng với trường THCS thị trấn Thanh Hà đã có 6 đơn vị trường học khác được đầu tư bể bơi mini theo hình thức xã hội hóa để dạy môn bơi cho học sinh (Lạc Thủy 3 bể, Lương Sơn 1 bể, Tân Lạc 1 bể, thành phố Hòa Bình 1 bể). Đây là nỗ lực lớn của ngành GD&ĐT, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của phụ huynh học sinh và được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, đưa các hoạt động giáo dục thể chất trong trường học ngày càng đi vào thực chất.
Song song với hoạt động của các bể bơi mini trong trường học, việc dạy bơi cho học sinh phổ thông đang được xã hội hóa ngày càng sâu rộng nhờ sự linh hoạt, thức thời của các bể bơi tại cộng đồng. Thống kê đến thời điểm tháng 5/2018, trên địa bàn tỉnh có 1 bể bơi cấp tỉnh và 28 bể bơi mini tại cộng đồng. Khảo sát tại các bể bơi này trong mỗi dịp hè cho thấy, nhu cầu học bơi của người dân luôn rất cao khiến các bể bơi rơi vào tình trạng quá tải, trong đó, chiếm tỷ lệ đông đảo nhất là các em học sinh trong độ tuổi học phổ thông. Thực tế này cho thấy, nếu chỉ sử dụng số lượng bể bơi hiện có (cả trong trường học lẫn tại cộng đồng) sẽ không khả thi để hướng tới mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh phổ thông. Chính vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành hữu quan xem xét, xây dựng Đề án "Phổ cập bơi cho học sinh phổ thông và xây dựng hệ thống bể bơi trong trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2018 - 2020”. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú hích” đủ mạnh để cả cộng đồng cùng chung tay với ngành GD&ĐT thực hiện một chương trình quan trọng: Dạy bơi cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thu Trang