Theo dự kiến, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ được thực hiện từ năm 2021. Ðiều chỉnh này là cần thiết để ứng phó tác động của biến đổi cấu trúc dân số và quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh cần tiến hành theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động.


Nữ công nhân làm việc trong xưởng may tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh: ÐĂNG KHOA

Xem xét thời điểm hợp lý

Theo dự báo, tại Việt Nam, đến năm 2055, cứ hai người trong độ tuổi lao động sẽ có một người lớn tuổi. Năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động là 1,7 triệu người, cao gấp 3,4 lần số ra khỏi tuổi lao động là 500 nghìn người. Ðến năm 2035, số vào tuổi lao động chỉ bằng 1,2 lần số ra khỏi tuổi lao động (1,5 triệu so với 1,26 triệu người). Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là việc không thể cưỡng lại khi Việt Nam đang đối mặt vấn đề già hóa dân số. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa.

Vì vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ được đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội vào năm 2019, dự kiến có hai phương án được đề xuất. Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng ba tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng sáu tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030. Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng ba tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng bốn tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp các yếu tố tăng trưởng kinh tế và việc giải bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; quy mô, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực; vấn đề cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dài hạn. Vì vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm, khẩn trương theo lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động.

Về thời điểm bắt đầu áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, từ năm 2021 là hợp lý vì thời điểm này gắn với cải cách BHXH và cải cách chính sách tiền lương. Nhưng cách đi và hướng đi, nhóm tuổi cần tính toán cẩn thận, cần xem xét cụ thể khi sửa Bộ luật Lao động. Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, câu chuyện về hưu, tuổi hưu ở nước ta khi đưa ra bàn vẫn gặp những ý kiến phản đối, nhưng nếu không có bước đi phù hợp, Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi dân số đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa. Không xử lý bài toán này thì nguồn nhân lực sẽ bị thiếu hụt.

Tăng nguồn lực cho thị trường lao động

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số trong độ tuổi lao động (định nghĩa là từ 15 đến 64 tuổi) của Việt Nam bắt đầu giảm sâu từ năm 2030. Vì vậy, cần sớm chọn thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm sự cân đối lực lượng lao động, đồng thời, việc tăng tuổi hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội, nhân khẩu, sức khỏe...

Trước những ý kiến lo ngại rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và khó tìm việc làm ở lao động trẻ, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm qua, tuổi nghỉ hưu không thay đổi từ khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam dưới 50 và đến nay là 74 tuổi. Trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế, như: giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học..., tuổi hưu đã kéo dài đến 65, 70 tuổi. Nhưng nếu nâng tuổi hưu đồng loạt sẽ gặp rất nhiều phản ứng của người lao động, đặc biệt là nhóm người lao động ở môi trường độc hại, nguy hiểm, ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Những đối tượng này trên thực tế đã được giảm 3 - 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu trung bình. Do thông tin chưa đầy đủ khi đưa ra bàn thảo rộng rãi trong dư luận đã dẫn đến một số ý kiến phản ứng chưa đúng về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Theo đồng chí Bùi Sỹ Lợi, việc tăng tuổi nghỉ hưu thực tế không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Bởi công tác đào tạo hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo theo kế hoạch và phân bổ lao động, còn hiện nay đào tạo theo nhu cầu thị trường, ai giỏi, ai có năng lực sẽ dễ dàng tìm được việc làm, thậm chí tự tạo việc làm cho mình.

Trong bối cảnh già hóa dân số, nhiều nước trên thế giới đều đã có kế hoạch điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, như: In-đô-nê-xi-a đang trong lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 65; Ma-lai-xi-a điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bình quân từ 60 lên 65; Hàn Quốc dự kiến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bình quân từ 62 lên 65 tuổi vào năm 2034...



                                                              Theo Nhân Dân

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục