Đông đảo thân nhân liệt sỹ đến tham gia buổi tư vấn của Trung tâm MARIN tại Nhà văn hóa TP Hòa Bình.
Trăn trở của những người ở lại.
Chúng tôi nhiều lần được tham gia các đoàn công tác của tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các mẹ có 2 con là liệt sỹ nhưng chưa tìm thấy mộ. Các mẹ tuổi đã cao, sức yếu nhưng mong muốn lớn nhất trước khi nhắm mắt xuôi tay là được đưa các con về quê hương. Niềm trăn trở của các mẹ cũng là nỗi đau của biết bao gia đình, người thân, đồng đội khi chưa tìm thấy hoặc chưa chuyển được mộ của người thân về với mảnh đất quê mình. Đó là lý do mà mặc dù giấy mời hội nghị tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sỹ 8h30 mới bắt đầu nhưng chưa đến 8h sáng, nhà văn hóa TP Hòa Bình đã có rất đông người chen chân tìm chỗ ngồi. Thời gian tổ chức buổi tư vấn phải lùi lại vì Nhà văn hóa chỉ có sức chứa 200 chỗ ngồi mà thân nhân các gia đình liệt sỹ đã chật kín, không còn một ghế nào để trống. Ban tổ chức phải bố trí thêm ghế cho thân nhân liệt sỹ đến từ TP Hòa Bình và các huyện lân cận như Kỳ Sơn, Lương Sơn, Đà Bắc, Cao Phong và cả huyện Mai Châu đến tham gia. Đó cũng là thực tế tại buổi tư vấn của Trung tâm MARIN tại hội trường Huyện ủy Lạc Sơn với sức chứa 300 chỗ ngồi, Ban tổ chức bố trí thêm ghế cho đông đảo thân nhân liệt sỹ các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc tham gia.
Trong số rất đông người tham gia buổi tư vấn, chúng tôi thấy anh Đinh Công Ngự, xóm Khan Thượng, xã Ba Khan (Mai Châu) mặc dù chân bị gãy nhưng vẫn chống nạng đến để mong được tư vấn. Anh Ngự tâm sự: Cả đêm qua, tôi thấp thỏm không ngủ được chỉ mong trời sáng để nghe đoàn tư vấn hướng dẫn cách tìm mộ bố là liệt sỹ Đinh Công Binh, nhập ngũ năm 1972, hy sinh năm 1975 ở chiến trường Tây Ninh. Nghe đồng đội của bố kể lại là quy tập ra xã Lai Khê, tỉnh Bình Dương nhưng gia đình chưa có điều kiện đi tìm được.
Khuôn mặt đượm buồn, bà Nguyễn Thị Đựa dù năm nay đã 74 tuổi ở xóm Đoàn Kết, xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn) cũng đến tận nơi với mong muốn tìm mộ chồng là ông Đinh Ngọc Thành, nhập ngũ năm 1968, mất ngày 7/4/1972 ở mặt trận phía Nam. Rơm rớm nước mắt, bà Đựa tâm sự: Năm 22 tuổi, ông nhà tôi nhập ngũ. Khi đó 2 vợ chồng đã sinh được đứa con trai chưa đầy 1 tuổi. ông ấy đi là đi luôn, nay con chúng tôi đã hơn 50 tuổi. Gia đình chỉ mong sao tìm được mộ để đưa ông ấy về quê.
Phát biểu mở đầu buổi tư vấn tại Nhà văn hóa TP Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Hòa Bình là tỉnh khó khăn về kinh tế, qua hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế đã có gần 6.000 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh. Toàn tỉnh có 25 nghĩa trang liệt sỹ với 3.155 mộ nhưng có tới 2.950 mộ chiếm 93,5% ở các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh chưa biết tên. Nhiều phần mộ chưa biết tên đang nằm lại chủ yếu trên các chiến trường B, C, K. Ngoài ra, phần mộ của các liệt sỹ còn nằm rải rác ở các nghĩa trang phía Nam. Mặc dù đã có chủ trương về việc quy tập các phần mộ liệt sỹ về địa phương. Tuy nhiên, 5 năm qua, tỉnh chỉ quy tập được 110 phần mộ vì đa số là không biết tên nên không thể đưa về được. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình thân nhân mà còn là nỗi trăn trở của tỉnh.
Đồng hành tìm kiếm
Tư vấn lưu động về pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho thân nhân các gia đình liệt sỹ của Trung MARIN trong việc tìm kiếm thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ tại TP Hòa Bình và huyện Lạc Sơn là hoạt động thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 6/6/2018 của UBND tỉnh về tổ chức "Tháng hành động vì người có công với cách mạng” tỉnh năm 2018 và hướng tới kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2018). ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm MARIN cho biết: MARIN là Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sỹ hoạt động đã được 14 năm. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện ba hoạt động lớn: Một là, tổ chức tư vấn thông tin mộ liệt sỹ cho các thân nhân. Hai là phối hợp với Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng và phương pháp xét nghiệm AND. Ba là xây dựng đài nghĩa trang liệt sỹ trực tuyến. Đến nay, Trung tâm đang lưu trữ thông tin về hơn 900.000 hồ sơ quân nhân, hơn 300.000 hồ sơ liệt sỹ tại các nghĩa trang trên toàn quốc. Hàng trăm phần mộ liệt sỹ đã được bổ sung thông tin, gửi về các địa phương. Riêng tỉnh Hòa Bình, Trung tâm MARIN đã điều chỉnh bổ sung thông tin cho 19 mộ liệt sỹ và bàn giao lại cho tỉnh.
Tại buổi tư vấn, các thân nhân liệt sỹ đã được chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm MARIN chia sẻ: Đầu tiên bà con cần căn cứ vào giấy báo tử, tự xác nhận liệt sỹ mất ở đâu, trường hợp nào. Trong trường hợp mất giấy báo tử thì người thân phải làm đơn liên hệ với Sở LĐ-TB&XH để xin sao lục giấy báo tử. Sau khi có giấy báo tử, phải liên lạc với Bộ CHQS tỉnh để xin sao trích lục hồ sơ quân nhân. Văn bản này có hai nội dung rất quan trọng bắt buộc phải tìm được, nếu không có bản trích lục hồ sơ này sẽ rất bế tắc vì chính sách của Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới. Theo Thông tư liên tịch số 13/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH, tại Điều 17 cho biết, nếu có bản trích lục hồ sơ quân nhân, ghi rõ nơi hy sinh thì một năm một lần, thân nhân sẽ được hưởng chế độ thăm nom, chăm sóc mộ liệt sỹ. Thứ hai là trên bản giấy trích lục quân nhân có đơn vị chiến đấu và trường hợp hy sinh, địa điểm. Nếu trường hợp ghi rõ mất thông tin, mất tích thì việc tìm kiếm khá mong manh. Tuy nhiên, nếu trường hợp liệt sỹ hy sinh ở chiến trường nước ngoài, phải liên hệ trực tiếp với Bộ CHQS tỉnh để được tư vấn. Sau khi đã biết nơi liệt sĩ hy sinh, gia đình liệt sĩ phải làm việc ngay với Sở LĐ-TB&XH và Bộ CHQS tỉnh để thực hiện các thủ tục cần thiết. Hiện nay, có hai phương pháp để xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, đó là xác định ADN và thực chứng, tuy nhiên cần cân nhắc tùy từng trường hợp để có phương pháp phù hợp.
Bài, ảnh: Hương Lan