(HBĐT) - Dù biết rõ việc tiếp tục ở lại, khi lũ về trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản nhưng gia đình ông Bùi Văn Thiển ở xóm Chanh Trên (nay thuộc xóm Đoàn Kết) xã Vĩnh Đồng - Kim Bôi vẫn quyết ở lại. Chỉ đến khi cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết liệt áp dụng các biện pháp cưỡng chế, gia đình ông Thiển mới miễn cưỡng di dời. Đây cũng là hộ dân cuối cùng trong vùng ảnh hưởng lũ ống, lũ quét của suối Chiềng di dời về khu tái định cư (TĐC) được huyện Kim Bôi bàn giao đất cách đây gần chục năm...


Được cấp đất tái định cư, 26 hộ gia đình ở "rốn” lũ xóm Chanh Trên, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đã khẩn trương làm nhà để ổn định cuộc sống.

 

Được cấp đất TĐC, người dân vẫn bám "rốn” lũ

Đó là thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua ở xã Vĩnh Đồng. Đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Thời gian qua, do ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét tại suối Chiềng, xã đã 2 lần phải thực hiện dự án di dân TĐC. Trong đó, UBND huyện đã triển khai xây dựng khu TĐC tại khu Địa chất và hoàn thành việc giao đất cho 67 hộ ở xóm Chanh Trên từ năm 2011. Theo đó, các hộ được cấp từ 180 - 200 m2 đất ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hầu hết các hộ vẫn không di chuyển về nơi ở mới mặc dù cấp uỷ, chính quyền xã nhiều lần thông báo, yêu cầu, thậm chí cưỡng chế nhưng người dân vẫn bám trụ vùng "rốn” lũ. Dù rằng lúc nào cũng nơm nớp lo "chạy” lũ.

"Điển hình như đợt mưa lũ tháng 10/2017, trong xóm có 2 nhà bị đổ sập cùng nhiều trâu, bò, lợn, gà, thóc, gạo và tài sản của các hộ bị cuốn trôi. Đợt mưa lũ tháng 7 vừa qua, tuy không có thiệt hại về người nhưng nhiều nhà bị nước lũ cuốn trôi tài sản, thóc, gạo. Cũng may, nước lũ về ban ngày, nếu lũ bất ngờ về trong đêm chắc chắn sẽ có thiệt hại về người”, đồng chí Bùi Văn Hùng chia sẻ thêm.

Kể về những cơn lũ kinh hoàng quét qua làng trong 2 năm vừa qua, bà Bùi Thị Nhân (86 tuổi) kể: Đợt mưa lũ vừa rồi nước dâng ngập chỉ kém đợt mưa lũ tháng 10/2017 khoảng 20 cm. Nước lên nhanh và chảy siết. Nhà tôi ở khu vực cao nhất xóm nước cũng ngập lên hơn 1 m, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi. Còn trong đợt mưa lũ năm ngoái, nếu không nhanh chân chạy, tôi và đứa cháu cũng bị nước cuốn trôi.

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của dòng suối Chiềng khi có mưa to, trong cơn bão số 3 trung tuần tháng 7 vừa qua, Vĩnh Đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thậm chí bỏ tiền thuê xe hỗ trợ người dân di dời về khu TĐC để tránh những điều đáng tiếc xảy ra khi nước lũ dâng nhanh. Tuy nhiên, chỉ có vài hộ chấp hành. Sau đó, do nước dâng nhanh, người dân buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Nhưng có điều đáng nói là ngay sau đó, tất cả các hộ đã quay về nhà dù cho nguy cơ lũ quét vẫn còn tiềm ẩn.

Lý giải về điều này, đa phần người dân cho rằng do họ đã quen với nếp sống ở nơi cũ, việc di dời chỉ là tạm thời chạy lũ. ở đây còn nhà cửa, ruộng, vườn, trâu bò, gà... Chỉ tay về phía dòng suối với những vết tích tan hoang, đổ nát còn sót lại ngay trước cửa nhà sau đợt lũ vừa qua, ông Bùi Văn Thiển cho biết: Đợt lũ vừa rồi, chúng tôi được xã vận động di dời về khu TĐC nhưng chúng tôi cũng chỉ đi để chạy lũ vì nước lên nhanh lại chảy siết rất nguy hiểm. Đi nhưng chúng tôi vẫn phải quay về vì nhà cửa, tài sản còn ở đây.

Cấp ủy, chính quyền quyết liệt, người dân vẫn dửng dưng

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng cho biết: Những năm qua, trước tình hình mưa lũ bất thường, để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân khu vực ảnh hưởng mưa lũ ở xóm Chanh Trên di dời về khu TĐC. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, cả 67 hộ được cấp đất TĐC không chấp hành, vẫn tiếp tục sinh sống tại nơi ở cũ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dù đã được cấp đất TĐC gần chục năm nhưng tính đến tháng 7/2018, tại khu TĐC cho các hộ vùng lũ của xã Vĩnh Đồng mới có 25 hộ sinh sống. Điều đáng nói hơn, trong 25 hộ đó chỉ có 3 hộ thuộc diện TĐC do ảnh hưởng của vùng lũ. Số còn lại chủ yếu là con cái các gia đình sau khi tách hộ đã được bố mẹ cho phần đất TĐC để làm nhà, sinh sống. Gia đình bà Bùi Thị Nhân, sau khi tách hộ đã dành phần đất khu TĐC cho con trai lớn làm nhà, sinh sống, còn bản thân bà vẫn ở lại khu vực "rốn” lũ với con trai út. Lý giải về vấn đề này, chị Hoàng Thị Nhiến, con gái bà Nhân cho biết: Năm 2011, gia đình được cấp đất tại khu TĐC nhưng gia đình đã để cho cậu lớn làm nhà ra ở riêng nên bây giờ không còn đất. Thời gian qua, chính quyền xã vận động di dời ra khu TĐC nhưng chúng tôi không đi vì không còn đất nữa.

ông Bùi Văn Thiển cho rằng: ở đây, còn có nhà, có trâu, bò, lợn, gà..., vào trong kia không có gì mà ở. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại vùng lũ của xã Vĩnh Đồng hoàn toàn khác với nhưng gì người dân phản ánh. Dù cho có sự cảnh báo nguy hiểm khi mưa lũ; được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng khu TĐC, cấp đất làm nhà nhưng nhiều gia đình vẫn dửng dưng trước mọi cảnh báo, bất chấp sự nguy hiểm của mưa lũ, tiếp tục xây dựng nhà kiên cố tại nơi ở cũ.

Theo đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã: Trước sự chây ỳ, cố tình bám trụ, ở lại vùng "rốn” lũ của người dân, UBND xã đã đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện quyết liệt các biện pháp để buộc người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Theo đó, kể từ ngày 3/8/2018, huyện đề nghị Điện lực Kim Bôi cắt điện toàn bộ khu vực này. Cùng với đó, huyện cũng xem xét phương án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực này, quyết không để người dân tiếp tục ở lại vùng lũ. Cùng với đó, huyện Kim Bôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dân TĐC cho 26 hộ còn lại trong xóm về nơi ở mới và triển khai dự án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu TĐC... Với các biện pháp quyết liệt đó, tính đến ngày 15/8/2018, các hộ dân trong xóm đã di chuyển về khu TĐC. Trong đó, dù không muốn gia đình ông Bùi Văn Thiển là hộ cuối cùng của xóm Chanh Trên buộc phải di dời về khu TĐC mà gia đình ông được cấp đất từ cách đây gần 10 năm.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


UBND huyện Lạc Sơn cần ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng các chi, điểm trường tại một số xã khó khăn

(HBĐT) - Vừa qua, cử tri huyện Lạc Sơn đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các chi, điểm trường mầm non tại một số xã khó khăn như: (Điểm trường: Xóm Khoang, xã Phúc Tuy; xóm Đồi Đong, xã Tuân Đạo; xóm Nhụn, xã Yên Phú) và hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà văn hóa các xóm trên địa bàn huyện (cử tri huyện Lạc Sơn).

Ra mắt mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức”

Hội LHPN huyện Kỳ Sơn vừa tổ chức ra mắt mô hình "Chi hội phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức” tại Chi hội xóm Nưa, xã Độc Lập. Mô hình gồm 20 thành viên tham gia.

Khởi động thị trường bánh Trung thu

Mặc dù còn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu sôi động với sự tham gia của khá nhiều thương hiệu sản xuất bánh nổi tiếng, các khách sạn, nhà hàng, quán cà-phê hoặc cơ sở sản xuất bánh handmade (làm thủ công tại nhà). Tuy nhiên, có không ít những chiếc bánh đang lưu hành trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, với giá rẻ mạt từ 5 đến 10 nghìn đồng/chiếc, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng (NTD).

2 trẻ chết đuối khi tắm tại ngầm

(HBĐT) - Theo thông tin từ lực lượng chức năng, vào hồi 15h hơn ngày 23/8, tại khu vực ngầm An Thịnh, xã Long Sơn (Lương Sơn), người dân đã phát hiện 2 thi thể dưới ngầm. Nạn nhân là cháu Nguyễn Việt Th (5/5/2008) thôn Hợp Thung và cháu Bùi Hoàng A(28/7/2008) thôn Hợp Thung.

Hội nghị Triển khai công tác dân số trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn liên quan

(HBĐT) - Sáng 24/8, tại hội trường đa năng trường Trung cấp Y tế tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo Công tác Dân số/KHHGĐ tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác dân số trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn liên quan. Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tổng Cục Dân số/KHHGĐ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số/KHHGĐ cùng đông đảo cán bộ phụ trách công tác Dân số/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

Ổn định thị trường hàng hóa dịp Quốc khánh 2/9

(HBĐT) -Hàng hóa vào mùa sôi động, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp đang là vấn đề đặt ra trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trong thời điểm dịp Quốc khánh 2/9 đã cận kề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục