Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã được thực hiện từ khi có Luật BHXH năm 2006. Nhưng thực tế, đến thời điểm hiện nay, trong số hơn 400.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mới chỉ có khoảng 6.200 lao động tham gia BHXH (chiếm 1,5%).

Người lao động Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Câu chuyện bảo đảm quyền lợi cho lao động di cư trong việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội được đặt ra trong bối cảnh, lao động di cư đang ngày càng gia tăng giữa các nước trong khu vực, cũng như quốc tế.

Lao động di cư "thiệt thòi”

Hội nghị Quan chức cấp cao về lao động giữa năm nước: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và Việt Nam (CLMTV) lần thứ 4 vừa được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "An sinh xã hội: Tính liên thông của BHXH cho người lao động di cư trong CLMTV”, nhằm mục tiêu giúp năm quốc gia trong khu vực tăng cường hơn nữa công tác quản lý lao động di cư giữa các nước, đồng thời ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động di cư.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhận định: "An sinh xã hội cho lao động di cư của các nước trong khu vực này rất yếu”. Thực tế hiện nay, quy định pháp lý về bảo đảm an sinh cho người lao động di cư của các nước nêu trên chưa đầy đủ, thiếu tính liên thông và chưa có thỏa thuận song phương giữa các nước.

Đánh giá về tình trạng lao động di cư trong khu vực, Giám đốc chương trình cao cấp Anna Engblom của Dự án Triangle trong ASEAN, thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực cho biết, số người di cư trong ASEAN đã tăng gấp ba lần trong 25 năm qua. Mặc dù số lượng lao động có xu hướng tăng lên, nhưng chủ yếu là lao động bất hợp pháp và gặp hạn chế trong khả năng tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội. Một nghiên cứu của ILO (tháng 12-2017) qua khảo sát, phỏng vấn 1.800 người lao động đã làm việc ở Thái-lan, Ma-lai-xi-a cho thấy, có khoảng 52% trong số họ đã làm việc bất hợp pháp tại Thái-lan; 12% làm việc bất hợp pháp tại Ma-lai-xi-a. Phần lớn lao động di cư làm các công việc nặng nhọc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) cũng cho thấy, mặc dù chưa có số liệu chính xác lao động Việt Nam di cư hằng năm, nhưng ước tính có hơn 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia trong CLMTV. Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB và XH) Trần Hải Nam cho biết, hiện nay có khoảng 50.000 người Việt Nam đang làm việc tại Thái-lan, 20.000 người làm việc tại Lào, 6.000 người làm việc tại Cam-pu-chia. Tuy nhiên, số lao động di cư làm việc tại các nước này chủ yếu là đi tự do theo hình thức cá nhân, số còn lại đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư… Còn tại Việt Nam, lao động nhập cư từ CLMTV có khoảng hơn 1.000 người, trong đó chủ yếu là lao động Thái-lan với 950 người, Mi-an-ma 25 người, Cam-pu-chia 25 người, Lào chín người. Số lao động này hầu hết đã được cấp giấy phép lao động, chủ yếu làm việc tại các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

Cần sớm liên thông BHXH trong khu vực

Tại hội nghị, Thứ trưởng LĐ-TB và XH Doãn Mậu Diệp cho biết, với đặc điểm địa lý có chung đường biên giới, di cư lao động qua biên giới là một trong những ưu tiên lớn trong hợp tác CLMTV, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia… Để quản lý tốt và bảo đảm quyền lợi cho lao động di cư, nhất là lao động di cư qua biên giới giữa các nước CLMTV trong bối cảnh lao động di cư ngày càng gia tăng, năm quốc gia thành viên cần sớm thống nhất về việc liên thông các chính sách BHXH. Trước tiên, cần thúc đẩy liên thông BHXH song phương giữa các nước CLMTV, sau đó mới tiến hành liên thông BHXH thống nhất trong CLMTV, vì đây là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian khi hệ thống BHXH của năm nước không phát triển tương đồng.

Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội M.Rắc (Văn phòng ILO khu vực) cho rằng, an sinh xã hội cho lao động di cư trong khu vực hiện rất yếu. Điều này là do các quy định pháp lý của các nước trong khu vực chưa đầy đủ, chưa có thỏa thuận song phương giữa các nước. Hệ thống BHXH chủ yếu bao phủ lực lượng lao động chính thức. Vì vậy, cần có một công cụ thiết lập tiêu chuẩn cho toàn khu vực để cung cấp một khuôn khổ về an sinh xã hội cho lao động di cư. Trong đó, quan trọng hàng đầu là việc phát triển một mạng lưới toàn diện các thỏa thuận BHXH giữa các nước ASEAN, lý tưởng nhất là dưới hình thức một thỏa thuận đa phương. Các biện pháp hỗ trợ lẫn nhau để tăng cường tiếp cận BHXH của người lao động di cư phải được thực hiện, liên quan việc tiếp cận BHXH và BHYT cho người di cư tại quốc gia họ làm việc và cải thiện tính liên thông của các chế độ hưu trí, bồi thường cho người lao động. Đồng thời, cần có một công cụ điều tiết và các cơ chế, thể chế bao quát để tạo thuận lợi cho việc thực hiện, giám sát và đánh giá.

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cho biết, ngày 26-6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng LĐ-TB và XH ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ LĐ-TB và XH sẽ hoàn thiện dự thảo nghị định và trình Chính phủ ban hành để triển khai thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động nước ngoài.

Đồng thời, cũng thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo bốn loại hợp đồng. Trong đó, với loại hợp đồng đưa người lao động đi làm ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, hoặc đầu tư ra nước ngoài vẫn phải đóng BHXH để hưởng năm chế độ (ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất). Với ba loại hình còn lại, gồm: hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, hoặc tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hợp đồng lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và hợp đồng cá nhân thì chỉ thực hiện hai chế độ gồm hưu trí và tử tuất.

Ngoài ra, để bảo đảm người lao động không phải đóng hai lần BHXH, Việt Nam tăng cường ký kết các hiệp định song phương về BHXH giữa các nước, tiến tới ký kết các hiệp định đa phương; mở rộng các hình thức thanh toán để người lao động có thể nhận được lợi ích từ các chế độ an sinh xã hội; hoàn thiện hơn nữa hệ thống tổ chức thực hiện để thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ BHXH đối với lao động nước ngoài… Hiện tại, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định song phương về BHXH với Đức và Hàn Quốc; chuẩn bị xúc tiến đàm phán cấp cao với Nhật Bản.

Theo Nhân Dân

 

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục