Một ngôi nhà kiên cố của người dân xóm Nạc bị đất, đá đánh hỏng phải di dời khẩn cấp.
Cuối tháng 8, dù không còn mưa lớn nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác bất an khi đến khảo sát khu vực trượt sạt xã Tuân Đạo. Vết nứt dọc, ngang ăn sâu hàng mét, làm tụt đất, đá, tụt đồi có nơi hàng mét, nhiều khu vực đồi dịch chuyển nguy cơ cao lấp nhà của các hộ dân xóm Nạc, xóm Rài. Con đường đổ bê tông lên xóm Nạc đứt gãy nhiều đoạn sâu tới hàng mét, trao hẳn về một bên như đi trên thuyền. Khu đồi trượt sạt vẫn còn ngổn ngang. Một số ngôi nhà bê tông kiên cố bị đất, đá vùi lấp đánh sập tường. Các khối đá trên đồi xóm Đanh dù được gia cố, xử lý bước đầu nhưng vẫn còn nguy hiểm.
Trưởng phòng NN& PTNT huyện Lạc Sơn Bùi Văn Khánh cho biết: Vết nứt trên địa bàn xóm Nạc, xóm Rài đã xuất hiện từ đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017. Xã Tuân Đạo nằm trong khu vực nguy cơ cao trượt sạt theo Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp phải di dời cấp bách của Chủ tịch UBND tỉnh. ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày trong tháng 7 vừa qua tại các xóm: Nạc, Rài, Đanh làm tiếp tục xuất hiện vết nứt ở mức độ nguy hiểm hơn. Tại xóm Đanh, mưa lớn đã xuất nhiều khối đá lở kích cỡ bằng cả chiếc giường. Đêm 19/7 có khối đá lao xuống, xóm như mìn nổ, có khối lăn xuống, may có những cây luồng chặn lại. Người dân lo sợ không dám ở nhà. Để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, UBND huyện trích ngân sách 600 triệu đồng, quyết liệt chỉ đạo di dời khẩn cấp 32 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến ngày 21/7, chính quyền đã tổ chức di dời các hộ đến nhà văn hóa các xóm và hộ dân xung quanh khu vực. Trong đó xóm Nạc có 17 hộ, xóm Rài 6 hộ, xóm Đanh 9 hộ. Do địa bàn xã không có quỹ đất đủ lớn nên chỉ bố trí 1 cụm dân cư tập trung cho 10 hộ, còn lại 22 hộ ở xen ghép tại 3 xóm trên.
Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo Bùi Văn Bèo cho biết: Tuân Đạo là xã vùng 135, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của người dân, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đất ở rất khó khăn, người dân bám đồi, núi làm nhà. Có những hộ sau nhiều năm tích cóp xây được nhà kiên cố, giờ phải di chuyển, đời sống rất cơ cực. Một số hộ làm nhà sàn còn tận dụng được. Các hộ nhà xây kiên cố phải bỏ cả nhà chuyển đi. Tất cả các hộ hiện rất khó khăn. Trước đây, tâm lý bà con bất an khi cuộc sống ở khu vực có vết nứt đồi nhưng cũng không biết chuyển đi đâu. Đối với các hộ ở tập trung và xen ghép đều đang rất khó khăn. Điện phải kéo tạm, nước sinh hoạt chưa có, chỗ ở chật chội, giao thông lầy thụt... Trước mắt cũng như lâu dài sẽ phát sinh những vấn đề về môi trường, dịch bệnh đối với người dân bị ảnh hưởng thiên tai. Chính quyền và người dân mong muốn được tỉnh và huyện hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu ở khu dân cư mới tập trung. Đối với 22 hộ dân xen ghép tại các xóm đề nghị sớm được hỗ trợ đầu các công trình cộng đồng cho xóm, hạ tầng về giao thông, nước sinh hoạt... để người dân sớm ổn định cuộc sống. Hiện tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xã tổ chức ứng trực, cảnh báo không cho người dân quay trở lại vùng nguy hiểm.
L.C
(HBĐT) -Vừa qua, cử tri huyện Kim Bôi có đề nghị: Tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngày công huấn luyện của lực lượng dân quân tự vệ tham gia huấn luyện hàng năm và hỗ trợ phụ cấp cho Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; hỗ trợ thêm về chế độ phụ cấp cho các đối tượng tham gia công tác các ngành của xóm.