Không khí Tết Độc lập chẳng khác gì Tết Nguyên đán vậy. Các bạn tôi chia sẻ: Chẳng cần phải về các vùng Mường xa, ngay tại thành phố Hoà Bình, không khí, bản sắc văn hoá "ăn Tết Độc lập” vẫn đậm nét riêng đầy ấn tượng. Trong những năm gần đây, vào dịp nghỉ lễ Tết Độc lập, không chỉ những người con quê hương Hoà Bình đi làm ăn xa trở về quê ăn Tết mà rất nhiều du khách muôn phương chọn Hoà Bình là điểm đến trong dịp nghỉ lễ.
Đặc biệt hơn trong dịp về ăn Tết Độc lập ở Yên Mông lần này, chúng tôi được đến thăm khu di tích nơi Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình, chúng tôi gặp nhiều người dân về thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác. ông Bùi Văn Danh, phường Tân Hoà (TP Hoà Bình) về thăm khu di tích và đến ăn Tết Độc lập với gia đình đồng đội ở xóm Trường Yên. Hai người lính cựu đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ý nghĩa về những ngày Cách mạng tháng Tám trên quê hương Yên Mông nói riêng, thành phố Hoà Bình nói chung. Đặc biệt là những câu chuyện về ngày Tết Độc lập đầy ý nghĩa…
Các tuyến đường ở thành phố Hòa Bình được trang hoàng rực rỡ chào đón tết Độc Lập.
Không khí của những ngày tháng lịch sử dội về… Theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, hòa chung khí thế cách mạng của cả nước, đúng 10 giờ sáng ngày 23/8/1945, nhân dân TP Hòa Bình cùng hai đoàn quân khởi nghĩa từ chiến khu Mường Khói và Thạch Yên đã nhập lại làm một, kéo ra thị xã tỉnh lỵ chiếm các công sở rồi tụ tập tại sân vận động. Tại đây, nhân dân khắp nơi hân hoan, phấn khởi chào đón ủy ban quân sự cách mạng và tiến tới thành lập ủy ban Hành chính lâm thời. Chỉ ít ngày sau, người dân thị xã Hòa Bình được hưởng niềm vui ngày Độc lập - Ngày Quốc khánh 2/9 trọn vẹn trong sắc cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ. Từ đây, Tết Độc lập có ý nghĩa đặc quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Hoà Bình. Niềm vui, ý nghĩa đặc biệt ấy luôn gắn với niềm vui của cả dân tộc.
Tết Độc lập năm nay, nhân dân thành phố Hòa Bình càng phấn khởi hơn, khi đánh dấu nhiều thành tựu đạt được sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, thành phố từng bước nỗ lực vượt qua những khó khăn và giành được những thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH. Đến nay, trong cơ chế mới với đường lối đổi mới, thành phố Hòa Bình đã tận dụng lợi thế, đa dạng nền kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tính đến thời điểm này, thành phố Hòa Bình có 9/19 chỉ tiêu Nghị quyết đã đạt 100%, các chỉ tiêu còn lại đều đạt và vượt kế hoạch nửa nhiệm kỳ đề ra. KT-XH thành phố đã có bước tăng trưởng đáng kế, các tiềm năng, thế mạnh từng bước được khai thác và phát huy, góp phần tạo đà để thành phố Hòa Bình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Trong phát triển kinh tế, thành phố chủ trương phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Do đó ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt trong xây dựng các chợ trên địa bàn. Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch thành phố Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch, công bố quy hoạch 2 cụm công nghiệp Yên Mông và Chăm Mát - Dân Chủ; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình năm 2020 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Sau nửa nhiệm kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 7.969,6 tỷ đồng, tăng 56,2% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 55,5% trong cơ cấu kinh tế thành phố. Ngành TTCN có bước tăng trưởng khá (14,99%/năm), giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2015. Ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 6,2% năm 2015 xuống còn 5,5% trong cơ cấu kinh tế. Thành phố đã có 5/7 xã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM; phấn đấu hết năm 2018 thành phố sẽ hoàn thành Chương trình NTM, sớm hơn so với Nghị quyết Đại hội 2 năm. Tính đến năm 2017, tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 420,58 tỷ đồng, đạt 160,4% so với thực hiện năm 2015. Trong nửa nhiệm kỳ thành phố đã có 44 dự án được cấp phép đầu tư. Trong đó: có 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 21.466 tỷ USD; 39 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 4.619,5 tỷ đồng.
Trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị, 100% diện tích đất đô thị được lập quy hoạch; thành phố xây dựng Đề án nâng loại đô thị và phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020; Đề án nâng loại đơn vị hành chính từ xã lên phương đối với xã Sủ Ngòi, Trung Minh, Dân Chủ, Thống Nhất...
Hồng Duyên