Nhóm sản phẩm lưu niệm – nội thất – trang trí sẽ là sản phẩm đặc trưng trong thực hiện Chương trình OCOP ở tỉnh ta.
UBND tỉnh yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Kế hoạch đề ra mục tiêu: Phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm hiện có của các địa phương (khoảng 50 sản phẩm), triển khai thực hiện từ 10 - 15 làng (bản) văn hóa du lịch. Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp.
Củng cố, kiện toàn các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP (khoảng 50 tổ chức kinh tế); phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ tích cực công tác quản lý Nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tập huấn nâng cao năng lực 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tham gia trực tiếp triển khai Chương trình OCOP về nghiệp vụ quản lý, điều hành Chương trình; tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 300 cán bộ quản lý Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện Chương trình và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình với việc triển khai xây dựng hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương có điều kiện tốt về giao thương và du lịch.
10 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm gồm: Triển khai thực hiện chu trình OCOP; Tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP; Triển khai bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; Đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Ứng dụng KHCN trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP; Triển khai các dự án thành phần; Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; Cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; Xây dựng hệ thống điều hành thực hiện Chương trình; Đẩy mạnh truyền thông, thông tin tuyên truyền về Chương trình.
Riêng về vấn đề tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP, nhiệm vụ đề ra là rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có (366 sản phẩm), định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có đảm bảo mục tiêu đề ra, trước mắt thực hiện chỉ đạo điểm đối với một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, bao gồm: Nhóm sản phẩm thực phẩm; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm sản phẩm thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); nhóm sản phẩm vải và may mặc; nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng OCOP. Ngoài ra, chú trọng khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm.
H.N