Cán bộ dân số xã Bắc Phong (Cao Phong) đến hộ dân ở xóm Bống tuyên truyền về vấn nạn tảo hôn.
Cách nhà H. không xa là nhà chồng của em Bùi Thị L. Buổi sáng cả nhà đi làm hết, chỉ có ông nội trông cháu ở nhà. Cháu bé con của L. năm nay 1 tuổi. Theo chị Bùi Thị Nhị, cộng tác viên dân số xã, L. dừng việc học năm lớp 10 và sinh con năm 17 tuổi. Đám cưới được tổ chức nhưng L. chưa đến tuổi đăng ký kết hôn. Bế cháu nội trên tay, bố chồng L. chia sẻ: Cháu L. còn trẻ nên ông bà phải phụ giúp nhiều, phải dạy cách chăm con. Buổi tối, cháu bé cũng chủ yếu ngủ với ông bà. Sinh con sớm là vất vả rồi!
Chị Triệu Thị Thủy, chuyên trách dân số xã cho biết: Bắc Phong trước đây "nóng” vấn đề tảo hôn và 3 năm trở lại đây đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2015 có 10 trường hợp tảo hôn, năm 2016 có 2 trường hợp, năm 2017 có 3 trường hợp và từ đầu năm đến nay có 1 trường hợp. Tuy nhiên, năm nay độ tuổi người mang thai lại là trẻ vị thành niên. Trong đó có trường hợp là con của đảng viên, cán bộ xóm. Công tác tuyên truyền những năm qua được thực hiện bằng các hình thức như tư vấn tại hộ gia đình, trường THCS, lồng ghép trong sinh hoạt phụ nữ. Song, khó khăn là có những người còn bảo thủ.
Chị Bùi Thị Nhị, cộng tác viên dân số xã nêu thêm khó khăn: Vấn đề tảo hôn đã đưa vào hương ước, quy ước của xóm, người vi phạm sẽ bị phạt. Từ trước tới nay, dù đã xảy ra các trường hợp tảo hôn nhưng chưa thấy có ai bị phạt. Gia đình có người tảo hôn không được gia đình văn hóa, xóm có người tảo hôn không được làng văn hóa nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng này. Có người mời đến để tuyên truyền nhưng không tham gia.
Thực tế, hậu quả của tảo hôn không chỉ đơn thuần là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Những đứa trẻ đang tuổi cắp sách đến trường vội vã bước chân về làm dâu, bị mất cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm để xây dựng tương lai ổn định lâu dài. Còn trẻ người non dạ phải đi làm dâu hoặc ra ở riêng, làm việc để kiếm tiền nuôi con, chưa kịp chuẩn bị cả tâm lý, sức khỏe quả là quá sức lực và sự hiểu biết của các em. Nhìn về khía cạnh y tế, trạm trưởng trạm y tế xã Bắc Phong Trần Ngọc Dương cho rằng: Tảo hôn thì người mẹ chưa phát triển tâm sinh lý đầy đủ, thiếu hiểu biết cách chăm sóc, nuôi dạy con. Sinh nở ở tuổi thiếu niên rất dễ bị đẻ non, sảy thai, con phải đối mặt với những nguy cơ như thấp còi, sức đề kháng yếu... Ngăn chặn vấn nạn này, riêng ngành Y tế không làm được mà cần sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền với những cách hiệu quả hơn.
Theo cán bộ chuyên trách dân số xã Triệu Thị Thủy, đàn ông cũng phải xác định trách nhiệm trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn. Cần tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến công tác dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình, pháp luật có liên quan như Bộ Luật Hình sự… Cần xóa bỏ tư tưởng bảo thủ và có hiểu biết đúng đắn.
Hội nghị lần thứ 6, BCH T.ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Điểm mới đáng chú ý là chuyển trọng tâm sang chính sách dân số và phát triển. Xác định những thách thức, nguy cơ và trách nhiệm của mình, xã Bắc Phong đã nỗ lực tìm giải pháp để nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là ngăn chặn vấn nạn tảo hôn.
Chủ tịch UBND xã Trần Văn ý cho biết: Ngày 13/8/2018, UBND xã ban hành kế hoạch về việc phối hợp tổ chức tuyên truyền phòng - chống nạn tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung tâm học tập cộng đồng và Chủ tịch UBND xã cùng ký quyết tâm thực hiện kế hoạch. Mục đích tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình; xử lý vi phạm hành chính, hình sự, các hành vi nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình. Đề cao trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, xóm. Phát huy vai trò của trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại. Chú ý cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên.
Cẩm Lệ