Huyện Yên Thủy: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43%
Căn cứ Kế hoạch đào tạo nghề năm 2018 đã được phê duyệt, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thủy đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cập nhật thông tin, rà soát nhu cầu học nghề của nhân dân để tham mưu UBND huyện, Ban chỉ đạo Đề án 800 xây dựng nông thôn mới huyện phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 11 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 326 học viên tham gia, mức kinh phí 710 triệu đồng. Trong đó có các lớp nghề chủ yếu là kỹ thuật trồng bí, trồng cây có múi. Đồng thời, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyển sinh 5 lớp nghề với 130 học viên tham gia, các nghề chủ yếu như sửa máy nông nghiệp, kỹ thuật nuôi gà, kỹ thuật trồng cây có múi. Năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 43%.
Huyện Lạc Sơn: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo
Những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, các phòng chức năng của huyện Lạc Sơn phối hợp triển khai nhiều mô hình giảm nghèo đem lại hiệu quả ở các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Trong đó, năm 2016, Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho các xã đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ máy bừa, cày cho 6 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã Thượng Cốc, trị giá 270 triệu đồng; hỗ trợ máy ấp trứng cho 2 xã Miền Đồi, Quý Hòa 220 triệu đồng; hỗ trợ mô hình trồng cây dổi tại xóm Ráy, xã Văn Sơn 45 triệu đồng và mô hình chăn nuôi ngan xóm Dằm, xã Nhân Nghĩa.
Năm 2017, huyện hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi dê tại xã Văn Nghĩa với số tiền 250 triệu đồng; mô hình trồng quýt tại xã Miền Đồi 350 triệu đồng.
Năm 2018, huyện hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo trồng quýt tại xã Tự Do trị giá 250 triệu đồng; mô hình chăn nuôi bò tại 2 xã Văn Sơn, Chí Đạo với 464 triệu đồng/mô hình. Các mô hình được triển khai đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn.