Lực lượng chức năng tiêu hủy mì chính giả nhãn hiệu tịch thu tại các chợ nông thôn năm 2018.
Thời gian qua, lực lượng thành viên của Ban chỉ đạo 389/ĐP chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình trong năm 2018, lực lượng QLTT đã phối hợp với Đội 4, Phòng PC46 Công an tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Hòa Bình kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C - 595.74 do ông Đào Bá Thanh là lái xe kiêm chủ hàng, địa chỉ xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội), có hành vi vi phạm vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, tịch thu và tiêu hủy 25.940 quả trứng các loại, phạt vi phạm hành chính 5,5 triệu đồng. Cũng với sự phối hợp giữa lực lượng QLTT và Công an tỉnh đã phát hiện cơ sở sản xuất sữa đậu nành Đông Á, địa chỉ xóm Mát, xã Dân Chủ (TP Hòa Bình), do ông Trần Quốc Tuấn làm chủ cơ sở đã vi phạm không duy trì việc kiểm soát chất lượng kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định, phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng.
Qua các đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm do các cơ quan chức năng thực hiện từ 2 - 3 lần/năm, hàng hóa tịch thu vi phạm làm giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm phần đáng kể. Điển hình như vụ tiêu hủy hơn 1 tạ ruốc thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trăm hộp bánh quy giả do lực lượng QLTT TP Hòa Bình phát hiện, xử lý và tịch thu không để lưu thông ngoài thị trường. Vụ kinh doanh mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto tại một cửa hàng tạp hóa tại tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) với số lượng 58 kg, gồm 44 gói loại 1 kg và 140 gói loại 100 g. Lực lượng QLTT các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu… tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường ở các chợ nông thôn, chợ vùng sâu, vùng xa, đồng thời phát hiện một số đối tượng buôn bán, kinh doanh mì chính giả, tịch thu 21 gói mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto loại 1 kg, 40 gói mì chính giả loại 454 g.
Với việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc về buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã kịp thời ngăn chặn và hạn chế việc vận chuyển, tiêu thụ ở địa bàn vùng nông thôn trong tỉnh. Kết quả, 11 tháng qua đã phát hiện, xử lý 26 vụ. Nổi cộm là các hành vi: giả nhãn hiệu, bao bì mì chính, phân bón, phụ tùng xe máy, máy lọc nước, đồ gia dụng, thực phẩm - phụ gia thực phẩm.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, việc tuyên truyền, phổ biến đến hộ kinh doanh hàng hóa và người dân về phòng, chống, không mua, sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được đẩy mạnh. Với vai trò bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã thực hiện hàng chục cuộc tuyên truyền, tư vấn để người tiêu dùng hiểu thêm về quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Việc tuyên truyền, tư vấn trọng tâm ở các điểm chợ vùng sâu, vùng xa của các huyện: Kỳ Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc. Qua đó, người tiêu dùng nắm bắt được quyền lợi của mình, nhận thức được tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ.
Bùi Minh