Bãi tập kết rác thải "bất đắc dĩ” tại khu vực ngã ba dốc Cun, xã Thu Phong (Cao Phong) gây ô nhiễm môi trường.
Gia đình bà Quách Thị Liễu trú tại xóm Cun, xã Thu Phong có 5 khẩu, sống bằng nghề trồng và kinh doanh cam ven quốc lộ 6. Rác thải sinh hoạt của gia đình bà mỗi ngày chất đầy 1 bao tải dứa. Từ giữa tháng 10/2018, sau khi chưa thống nhất được mức giá với các hộ dân trên địa bàn xã, HTX NN&KDTH Cao Phong đã ngừng thu gom, vận chuyển rác. Ngày nào, cũng vậy, gia đình bà Liễu phải chở rác bằng xe máy vào vườn cách đó gần 3 km để vứt đi. Tuy nhiên, những hộ dân có ý thức như gia đình bà không phải là nhiều.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở ngay bên dưới ngã ba dốc Cun đi vào thị trấn Cao Phong và nhiều khu vực khác trên địa bàn xã Thu Phong, rác thải được tập kết thành từng bao tải to, nhỏ để ngổn ngang ven đường, gây ô nhiễm môi trường. Là xã NTM, tuy nhiên với thực trạng rác thải sinh hoạt không được thu gom, vận chuyển thường xuyên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc củng cố và giữ vững tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM của địa phương. Đồng chí Bùi Văn Dân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đây là vấn đề nan giải và ngoài khả năng giải quyết của địa phương. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành động không đổ rác thải bừa bãi, chúng tôi không có giải pháp nào hữu hiệu.
Qua tìm hiểu được biết, giữa HTX NN&KDTH Cao Phong và người dân tại các khu vực nông thôn trên địa bàn huyện chưa tìm được tiếng nói chung về phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải. Hiện, HTX đang áp dụng mức thu 7.000 đồng/khẩu cho cả hộ dân sống ở khu vực thị trấn và khu vực nông thôn. Theo nhiều người dân, việc áp dụng như vậy là bất hợp lý. Mặc dù sống ở thị trấn Cao Phong nhưng ông Nguyễn Đình Lương cũng không đồng tình với phương án áp dụng chung một mức thu như vậy. Bởi theo ông, HTX thu gom, vận chuyển rác đã có sự phân tuyến, tần suất hoạt động khác nhau giữa các khu dân cư dọc trục quốc lộ 6 và các khu dân cư đường nhánh. Bên cạnh đó, nhiều hộ sống ở các khu dân cư đường nhánh, do lòng đường quá chật hẹp, xe thu gom, vận chuyển rác không đi vào được, người dân phải vận chuyển rác ra tận quốc lộ. Việc áp dụng mức giá đó là thiếu công bằng.
Đến hết năm 2017, HTX NN&KDTH Cao Phong duy trì, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn 5 xã, thị trấn, bao gồm: Dũng Phong, Thu Phong, Đông Phong, Tây Phong và thị trấn Cao Phong. Hiện tại, chỉ còn xã Tây Phong và thị trấn Cao Phong là duy trì thu gom, vận chuyển. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc HTX NN&KDTH Cao Phong cho hay: Mức giá trên chúng tôi thực hiện theo Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND, ngày 17/1/ 2017 của UBND tỉnh quy định tạm thời giá sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc áp dụng chung một mức giá cũng là để cân bằng lợi ích kinh doanh và lợi ích xã hội mà doanh nghiệp hướng tới. Ví dụ với 100 lít xăng, khu vực thị trấn chúng tôi sẽ thu gom được 10 tấn rác. Cũng với số xăng ấy, khu vực nông thôn chỉ thu gom được 1,5 tấn rác. Chưa kể nhiều xóm ở cách xa nhau, đường đi khó.
Trước thực trạng trên, sau nhiều lần làm việc với HTX NN&KDTH Cao Phong, từ giữa tháng 11/2018, UBND xã Thu Phong đã thống nhất được mức giá, phương án thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, UBND xã sẽ thuê HTX thu gom, vận chuyển rác thải với tần suất 10 ngày/lần, mức giá 800.000 đồng/chuyến. Qua thực tế, những ngày HTX không thu gom, vận chuyển, rác thải sinh hoạt của nhân dân lại được chất thành từng đống gây ô nhiễm môi trường.
Từ việc chưa thống nhất được mức giá thu gom, vận chuyển rác giữa HTX NN&KDTH Cao Phong và người dân các xã khu vực nông thôn dẫn đến việc rác thải bị tập kết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra trên địa bàn huyện Cao Phong. Phương án nào để có thể hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân? Câu trả lời vẫn được bỏ ngỏ và rất cần các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện sớm vào cuộc để trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp cho nhân dân.
Minh Tuấn (Đài Cao Phong)