Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Cao Phong tri ân giáo sư Nguyễn Anh Trí tại lễ khởi động Dự án tầm soát và quản lý nguồn gen bệnh tan máu bẩm sinh.
Công viên di sản các nhà khoa học - khi tâm huyết gặp được cơ duyên
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với quê hương Hòa Bình, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Trí cho biết: Năm 2003, khi tôi làm Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương, trong chương trình làm việc của lãnh đạo đầu ngành có kế hoạch tập huấn về chuyên môn cho nhiều tỉnh, thành phố, tôi đã lựa chọn Hòa Bình là tỉnh đầu tiên đến tập huấn với lý do là về kinh tế, bệnh tật cũng như về trình độ chuyên môn lúc đó. Lần đầu tiên tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tập huấn chuyên môn, tôi thấy cảm nhận của mình là hợp lý, Hòa Bình là tỉnh đáng để đến nhưng cũng tại đây đã nảy sinh thêm nhiều cơ duyên khác bởi mảnh đất này, con người sống rất thân thiện, tình nghĩa, nó thôi thúc mình phải đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ.
Cũng chính cơ duyên với Hòa Bình đã giúp giáo sư Trí hoàn thành tâm huyết ấp ủ từ lâu. Giáo sư chia sẻ: Từ năm 1993, tôi đã có ý tưởng xây dựng một công viên với núi non, sông, suối làm nơi lưu trữ tài liệu, hiện vật cho các nhà khoa học. Từ đó, tôi bắt đầu tích lũy dần những điều kiện để có thể hoàn thiện ý tưởng của mình. Đến năm 2005, ý tưởng ấy đã chín muồi, chỉ còn thiếu một địa điểm thật sự thuận lợi để đặt công viên. Lúc đó, đến với Hòa Bình, một mảnh đất với phong cảnh hữu tình, những ấp ủ của mình lại thôi thúc. Rất may, ngay từ những việc đầu tiên khi gặp gỡ cán bộ từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã tôi cảm thấy gần gũi, dễ mến và họ cũng ủng hộ, chia sẻ những ý tưởng của tôi. Khi tiếp xúc, gặp gỡ người dân, tôi phát hiện một điều thú vị là văn hóa dân tộc Mường ở đây và Quảng Bình quê tôi có nhiều nét tương đồng, kể cả ngôn ngữ và các cổ vật. Vì vậy, tôi thấy mình gắn bó với mảnh đất này, như trở về quê hương của mình. Và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam ra đời tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong chính là cơ duyên của tôi với mảnh đất Hòa Bình. Công viên rộng trên 30 ha đang lưu trữ hàng nghìn kỷ vật của các nhà khoa học. Nơi đây thực sự đã trở thành điểm nhấn du lịch không chỉ của huyện Cao Phong mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, con người Hòa Bình.
Hành động để loại trừ tận gốc căn bệnh tan máu bẩm sinh
Qua làm việc với cán bộ y tế và trực tiếp tại Viện huyết học truyền máu Trung ương, Giáo sư Nguyễn Anh Trí biết Hòa Bình cũng là vùng có những nhóm bệnh rất đặc thù như bệnh tan máu bẩm sinh, tỷ lệ người mang gen bệnh khá cao. Giáo sư chia sẻ: Thalasemia là bệnh nguy hiểm, di truyền - nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh mà còn hệ lụy đến giống nòi nếu không được điều trị và tư vấn đúng cách. Vì vậy, khi còn làm việc ở Viện huyết học truyền máu Trung ương, trực tiếp nghiên cứu bệnh án của nhiều bệnh nhân bị tam máu bẩm sinh cũng như quá trình làm việc tại tỉnh Hòa Bình. Với những kiến thức của mình, tôi thấy cần đóng góp cho mảnh đất này để giảm bớt những nỗi đau đó.
Từ khi làm Viện trưởng, giáo sư Trí đã có nhiều đóng góp cho tỉnh trong nghiên cứu, khám - chữa bệnh cho các bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh. Để khống chế căn bệnh này, nhiều năm qua, Công ty TNHH công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec) đã giúp kiểm tra, xét nghiệm tư vấn điều trị, tư vấn hôn nhân cho bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh. Bản thân giáo sư Trí luôn dành quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Hòa Bình trong công tác điều trị bệnh này.
Còn nhớ, giáo sư Trí về hưu ngày 1/10/2017 thì ngay hôm sau đã triển khai dự án hỗ trợ khám sàng lọc, xét nghiệm miễn phí cho bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh tại tỉnh Hòa Bình với mức hỗ trợ 500 triệu đồng. Sau bước khởi động này, Medlatec đã hỗ trợ 3 tỷ đồng để triển khai chương trình tầm soát, phát hiện và quản lý gen bệnh thalassemia trong cộng đồng. Giáo sư Trí cho biết: Dự án nhằm hướng tới quản lý người mang gen bệnh tại cộng đồng với mục tiêu trực tiếp về bản làng, thôn xóm để làm xét nghiệm mà không phải điều tra dịch tễ. Thông qua các điều tra bệnh án của bệnh nhân sẽ phát hiện ra những người mang gen bệnh tại cộng đồng. Sau đó sẽ tiến hành tư vấn cho người bệnh để họ đừng sợ, để hiểu rõ hơn về bệnh tật trong hôn nhân, tạo ra một thế hệ sau khỏe mạnh, hạn chế gen bệnh tại cộng đồng.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, giáo sư Trí đang tiếp tục xây dựng một phòng xét nghiệm chuyên sâu y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó có nhiều thiết bị y tế hiện đại, sẽ làm tất cả các xét nghiệm y khoa nói chung và khám sàng lọc bệnh thalassemia.
Chia tay giáo sư Trí khi ông tiếp tục quay trở lại với công việc của dự án về phòng xét nghiệm chuyên sâu, đọng lại trong tôi là câu nói giản dị nhưng chân thành "Hòa Bình là quê hương của tôi”. Lắng nghe những câu chuyện của ông có thể thấy trong suốt cuộc đời, ông đã hành động như những gì ông nói, luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương Hòa Bình. Điều ấy khiến chúng tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện khi vị giáo sư chia sẻ, tôi là người con của đất Mường, tôi xin phép được đặt tên mình là Bùi Quảng Hòa - như một sự tri ân về Quảng Bình quê hương tôi sinh ra và Hòa Bình mảnh đất mà tôi gắn bó.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm khu khám, xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh tại cơ sở khám của Medlatec ở tỉnh Hòa Bình.
Phương Linh
(HBĐT) - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này, bên cạnh tình hình cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn, mặt bằng thu nhập thấp