Đại diện Công Ty TNHH sản xuất hàng may mặc ESQUEL Việt Nam - Hòa Bình giới thiệu dây chuyền sản xuất bảo đảm an toàn kỹ thuật và thân thiện với môi trường.
Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ - TB&XH) - thư ký Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cho biết: Năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn lao động (trong khu vực có quan hệ lao động) làm 10 người chết và 37 người bị thương; 2 vụ tai nạn (trong khu vực không có quan hệ lao động) làm chết 4 người và 6 người bị thương. Với điều kiện doanh nghiệp của tỉnh ta còn manh mún, nhỏ lẻ, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ ở cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa cao, kinh phí để triển khai, thực hiện công tác ATVSLĐ của tỉnh còn hạn chế… thì việc đảm bảo ATVSLĐ ở mức tối đa thực sự không dễ dàng. Huy động sự nỗ lực chung của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cả NLĐ trong đảm bảo ATVSLĐ, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã đưa con số kỳ vọng: Phấn đấu năm 2019 sẽ giảm được 5% tần suất TNLĐ chết người trong các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng. Trên 50% NLĐ làm việc tại các cơ sở có nguy cơ về các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám bệnh. Tăng 5% cơ sở lao động được đo, kiểm tra môi trường lao động so với năm 2018. Trên 70% NLĐ làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 80% người làm công tác ATVSLĐ, công tác y tế… được huấn luyện ATVSLĐ.
Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ tháng 2/2019, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37 về tổ chức "Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019” trên địa bàn tỉnh. Theo dự kiến, lễ phát động "Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019” sẽ được tổ chức vào ngày 10/5 tại Khu công nghiệp Lương Sơn. Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay có chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Vì vậy, trong dịp này, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại một số DN, cơ sở SX - KD trên địa bàn tỉnh. Nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, công tác huấn luyện ATVSLĐ, việc sử dụng, khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các cơ sở SX - KD. Đánh giá việc quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc của các DN trên địa bàn tỉnh. Tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của DN, NLĐ. Sau Tháng hành động, vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật, tạo ý thức, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho NLĐ. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Hướng dẫn NLĐ tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước và trong khi làm việc. Khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.Thường xuyên kiểm tra việc cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động, yêu cầu khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không đảm bảo ATVSLĐ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm - ATLĐ và Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn tỉnh.
Lam Nguyệt