(HBĐT) -Theo kết quả rà soát của UBND huyện Đà Bắc, toàn huyện có 11/20 xã, thị trấn có các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao về thiên tai, 74/163 thôn, bản với 149 điểm có nguy cơ thiên tai cao. Trong tổng số 710 hộ dân cần bố trí ổn định chỗ ở, có 492 hộ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở đất, đá; 218 hộ nằm trong vùng nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Từ năm 2018, UBND huyện đã xây dựng phương án bố trí ổn định chỗ ở cho các hộ dân này, nhưng do khó khăn về nguồn lực, đến nay, các phương án vẫn chưa được triển khai.    


Người dân khu tái định cư xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. 

Đồng chí Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc trao đổi: Qua rà soát, huyện đã xây dựng phương án bố trí ổn định dân cư cho 710 hộ dân đang sinh sống tại các vùng nguy cơ thiên tai cao, mất an toàn trong mùa mưa bão. Cụ thể, xác định cần bố trí xen ghép cho 241 hộ; bố trí ổn định tại chỗ cho 360 hộ; bố trí chỗ ở mới tập trung cho 109 hộ bằng cách xây dựng 2 khu tái định cư (TĐC) tập trung tại xã Mường Tuổng (45 hộ) và xã Suối Nánh (64 hộ). Đây đều là các hộ có nhu cầu cấp bách về chỗ ở mới đảm bảo an toàn, để ổn định cuộc sống lâu dài. Sau khi xây dựng phương án cụ thể, huyện đã kiến nghị Sở NN&PTNT tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí cho huyện kịp thời thực hiện công tác bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  

Trong khi chưa có nguồn lực để triển khai các phương án bố trí dân cư cho người dân vùng nguy cơ thiên tai cao, huyện Đà Bắc tập trung xây dựng 5 khu TĐC để ổn định chỗ ở mới cho 183 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt thiên tai lũ quét, sạt lở đất trung tuần tháng 10/2017. Đây là 5 dự án TĐC khẩn cấp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Đến cuối tháng 5/2019, cả 5 dự án đều đã hoàn thành các hạng mục thiết yếu, tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 95,839 tỷ đồng. Cùng với việc hoàn thành xây dựng các hạng mục hạ tầng quan trọng như san tạo mặt bằng, cấp điện, nước sinh hoạt, xây dựng đường thoát nước mưa và đường nội khu… tất cả 183 hộ dân đã di chuyển lên các khu TĐC và hoàn thiện nhà, yên tâm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. 

Theo UBND huyện Đà Bắc: Mặc dù việc xây dựng hạ tầng và hỗ trợ di chuyển dân đến nơi ở mới đã hoàn thành đúng theo kế hoạch đề ra, nhưng vấn đề nguồn lực đối với cả 5 dự án này đều rất khó khăn. Theo quyết định phê duyệt, tổng mức đầu tư của 5 khu TĐC là 120,883 tỷ đồng, trong đó, mức đầu tư giai đoạn I là 102,728 tỷ đồng để hoàn thành các hạng mục hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ di chuyển dân. Đến nay, giá trị khối lượng đã hoàn thành đạt khoảng 95,836 tỷ đồng, trong khi đó, huyện mới được cấp 53,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh cấp 50 tỷ đồng; ngân sách huyện cấp 3,2 tỷ đồng). Như vậy, so khối lượng hoàn thành đến nay với kinh phí được cấp còn thiếu 42,636 tỷ đồng; so tổng mức đầu tư giai đoạn I với kinh phí được cấp đến nay còn thiếu 49,528 tỷ đồng. Vì thế, UBND huyện Đà Bắc đã đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét cấp bổ sung kinh phí cho huyện để chi trả khối lượng công việc đã hoàn thành. Sau đó, tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí 18,155 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục còn lại trong giai đoạn II, đáp ứng nhu cầu cấp thiết, chính đáng của các hộ di dân TĐC.

Được biết, thời gian qua, cùng với nỗ lực đảm bảo tiến độ xây dựng 5 khu TĐC, huyện Đà Bắc đã chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ để người dân ổn định đời sống tại nơi ở mới. Ngay sau khi hỗ trợ người dân di chuyển về các khu TĐC đạt 100% số hộ, huyện đã khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho các hộ với mức vốn 6 triệu đồng/hộ; bố trí 100 triệu đồng vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới kế hoạch năm 2018 để hỗ trợ các xã trồng cây bóng mát, tạo cảnh quan môi trường tại các khu TĐC với mức 20 triệu đồng/khu; đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, triển khai các hoạt động vì cộng đồng để hỗ trợ người dân cải thiện môi trường sống, bước đầu tiếp cận với nguồn sinh kế mới…

Đặc biệt, với quyết tâm ổn định đời sống cho các hộ tại nơi ở mới trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế, UBND huyện Đà Bắc chỉ đạo tăng cường các hoạt động hỗ trợ, định hướng về sinh kế cho người dân thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, mô hình kinh tế phù hợp. Cụ thể, đối với hộ dân ở khu TĐC gần hồ thủy điện Hòa Bình như xóm Lau Bai (xã Vầy Nưa), xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng), xóm Túp (xã Tiền Phong), định hướng sinh kế phù hợp là nuôi trồng thủy sản. Đối với hộ dân ở khu TĐC xóm Bưa Cốc (xã Suối Nánh), xóm Kế (xã Mường Chiềng), định hướng sinh kế phù hợp là các mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, ao thả cá… Khi tiếp cận được các nguồn sinh kế phù hợp, người dân nơi đây sẽ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài tại các khu TĐC.


                                                                                   Thu Trang

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục