Người dân xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong) đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những kiến nghị liên quan đến việc thuê đất của Công ty D&G tại khu vựcđồi Cại Luồng và đồi Cối.
Đất canh tác lâu năm bất ngờ thành đất... dự án
Theo đơn đề nghị gửi đến Báo Hoà Bình cũng như trao đổi trực tiếp với phóng viên, ông Bùi Xuân Ninh, người dân xóm Tiện cho biết: Chúng tôi chủ yếu là dân chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà từ những năm 1970, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào canh tác, sản xuất đồi rừng. Thời gian qua, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì được trở thành người làm chủ, được công nhận quyền sử dụng đất canh tác một cách hợp pháp. Trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đồi rừng, chúng tôi đã dẫn cán bộ đi đo đạc từng thửa đất từ khi chuyển cư về đây. Sau khi đo đạc, đa phần các hộ trong xóm đã được nhận giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20 hộ không được nhận không hiểu vì lý do gì, mặc dù đã nhiều lần đề nghị với cấp trên.
"Vừa qua, chúng tôi nhận được thông tin, từ năm 2009, UBND tỉnh đã cấp cho Công ty D&G 517.700 m2 đất thuộc khu đồi Cại Luồng, đồi Cối của xóm Tiện. Trong số đó, có khoảng 2/3 diện tích đất của các hộ đã sử dụng lâu dài, không có tranh chấp. Chúng tôi rất bất bình, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, trả lại đất và cấp giấy CNQSDĐ cho nhân dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất đồi rừng mà chúng tôi đã canh tác từ lâu” - trưởng xóm Tiện Bùi Văn Điển bức xúc.
Lỗi của cơ quan chức năng?!
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện Phòng Quản lý đất đai - Sở TN&MT cho biết: Về phía Sở TN&MT chưa nhận được đơn, thư của người dân hay công văn của huyện Cao Phong đề nghị giải quyết vấn đề này nên không biết để xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Cao Phong Nguyễn Văn Dụ thông tin: Những kiến nghị của người dân đã được gửi đến Sở TN&MT để xem xét, xử lý từ những năm trước. Về phía địa phương, với trách nhiệm của mình, UBND huyện đã giao Phòng TN&MT nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị các nội dung thuộc thẩm quyền.
Theo đó, Phòng TN&MT huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát diện tích đất chồng lấn vào diện tích đất UBND tỉnh cho Công ty D&G thuê. Theo biên bản kiểm tra ngày 26/1/2018 của tổ công tác UBND huyện Cao Phong xác định: "trên diện tích đã cấp cho Công ty D&G tại xóm Tiện (111,2 ha - PV) chưa có bất cứ hộ gia đình, cá nhân nào được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ chồng lấn vào diện tích đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty D&G. Toàn bộ diện tích đất tại khu vực này xã đã giao cho xóm Tiện quản lý, sử dụng vào mục đích là đất của cộng đồng”.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Dụ, trên thực tế, có khả năng vẫn còn một số điểm chồng lấn chưa được kiểm tra, rà soát, xác định rõ ràng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là trong quá trình thực hiện các thủ tục giao, thuê đất, các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, rà soát diện tích đất để cho Công ty D&G thuê chưa kỹ, chưa sát với tình hình thực tế địa phương. Dẫn đến tình trạng nhiều hộ đang quản lý, sử dụng trực tiếp nhưng vẫn bị đưa vào diện quản lý đất cộng đồng. Hoặc là đất cộng đồng nhưng không quản lý được để người dân lấn chiếm; ranh giới, mốc giới chưa rõ ràng dẫn đến việc chồng lấn. Thêm nữa, vào thời điểm đó, việc khoanh vẽ nhận diện trên bản đồ không sát với tình hình thực tế sử dụng đất của nhân dân. Chưa đảm bảo, chưa đúng hiện trạng sử dụng đất, chưa khoanh rõ diện tích đất nào là đất trống, đất nào có đồi, tổng diện tích bao nhiêu. Mà chỉ dựa trên việc xem xét hồ sơ đất theo Nghị định số 02/NĐ-CP của các địa phương quản lý để giao cho Công ty D&G thực hiện dự án.
"Trên thực tế, thời điểm đó cũng chỉ giao trên giấy tờ, sổ sách chứ không phải giao trên thực địa. Đó là điều chắc chắn. Mà dù có đi thực địa, đi kiểm tra nhưng cũng không thể kỹ càng, chính xác. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng chồng lấn. Hơn nữa, trong quá trình quản lý của công ty vào thời điểm đó nếu tổ chức triển khai thực hiện dự án có hiệu quả thì việc lấn chiếm sẽ không xảy ra. Thế nhưng, từ thời điểm năm 2009 đến nay, sau 10 năm về phía công ty không triển khai thực hiện dự án; quá trình sử dụng không nắm được ranh giới đất thì làm sao có thể bảo vệ tốt được. Trong khi đó, nhu cầu về đất sản xuất của người dân lúc nào cũng thiếu nên họ tranh thủ làm. Hơn nữa, quá trình tổ chức thực hiện Quyết định số 672/QĐ-TTg, các cơ quan chức năng, địa phương cũng không sàng lọc, chỉ ra được đất nào đã có giấy CNQSDĐ mà chỉ xác định trên cơ sở là hộ gia đình, cá nhân chỉ ranh giới, mốc giới hộ đang trồng, đang thực hiện việc canh tác, sử dụng. Do đó, cơ quan có thẩm quyền lại tiếp tục cấp giấy CNQSDĐ chồng lên những diện tích đất đã được cấp giấy CNQSDĐ trước đó. Từ đó, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của dân” - Phó trưởng phòng TN&MT huyện Cao Phong Nguyễn Văn Dụ phân tích.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở xóm Tiện mà còn xảy ra ở các địa phương khác. "Phương án giải quyết tối ưu là Công ty D&G cần phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát lại. Diện tích đất nào của Công ty có thể sử dụng được, có thể tiếp tục triển khai theo dự án đã được phê duyệt thì tổ chức triển khai. Còn không thì để địa phương sử dụng đúng mục đích. Việc này, do Sở TN&MT là cơ quan có thẩm quyền thay mặt UBND tỉnh đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty D&G thì trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết là của Sở TN&MT” - Trưởng phòng TN&MT huyện Cao Phong Lê Xuân Hà nhấn mạnh.
Nhóm P.V PBĐ-TL