(HBĐT) - Xã Do Nhân (Tân Lạc) có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi gây khó khăn cho việc đi lại và sản xuất nông nghiệp. Xã hầu như không có ngành nghề, trình độ dân trí không đồng đều nên còn nhiều trở ngại trong xây dựng cuộc sống mới. Dẫu vậy, sức mạnh của xã vùng 135 này chính là niềm tin, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để phát triển KT - XH.
Cán bộ, công
chức xã Do Nhân (Tân Lạc) nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, qua
đó tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong phát triển KT - XH.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Thanh Bình được biết, từ 8 xóm, xã Do Nhân sáp nhập còn 4 xóm. Ngay trong quý I/2019, xã tập trung lãnh đạo công tác cán bộ ở các xóm, hiện nay, cơ bản đi vào hoạt động ổn định. Việc thực hiện chủ trương sáp nhập được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao, nhất là bà con đồng thuận ủng hộ nên công việc diễn ra tương đối thuận lợi. Mặc dù qua thực tế đã bộc lộ khó khăn do địa bàn các xóm rộng, có nơi 3 xóm sáp nhập vào một, chiều dài tới 3 km, trong khi đó cán bộ mỏng, giao thông bất lợi, gây hạn chế cho hoạt động của các xóm cũng như việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình nhân dân. Tuy vậy, thời gian qua, cán bộ, nhân dân trong xã vẫn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất và giữ được sự ổn định trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Nỗ lực vượt khó và coi trọng khơi nguồn nội lực đã giúp Do Nhân từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Trong điều kiện chưa phát triển được ngành nghề, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, định hướng người dân tích cực bám đất, bám rừng, thay đổi tư duy, cách làm ngay trong sản xuất nông, lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn xã có diện tích đất nông nghiệp trên 1.580 ha. Theo đánh giá, đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng như lúa, hoa màu, các loại cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày. Những năm qua, thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện sâu bệnh mới gây hại cho cây trồng, nhưng bà con đã khắc phục khó khăn, gieo trồng hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao. Như trong vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo trồng được 225 ha, đạt 101% kế hoạch, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Nhiều cây trồng có giá trị hàng hóa được duy trì và mở rộng diện tích như lạc, mía, khoai sọ, rau, đậu. Các loại cây lấy hạt như mướp đắng, bí đỏ tuy không được giao kế hoạch thực hiện nhưng người dân đã trồng 10,4 ha, cây có múi trồng 18,4 ha.
Bên cạnh đó, xã có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất lâm nghiệp trên 1.225 ha. Nhân dân tích cực khai thác đất chưa sử dụng vào trồng rừng sản xuất, đưa diện tích đất chưa sử dụng giảm còn khoảng 30 ha (năm 2001 là 274 ha). Với việc nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ của người dân đã làm cho diện tích rừng ngày càng tăng, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân trong xã. Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng được bà con phát triển. Ngoài gia súc, gia cầm, nhiều hộ đã đưa vật nuôi mới vào phát triển kinh tế hộ như nuôi dê, ong mật, tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 12 ha cùng gần 30 lồng nuôi cá.
Đồng chí Đinh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Để sản xuất đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi phải nói đến việc xã Do Nhân luôn coi trọng mở các hội nghị chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, nhất là phối hợp mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như cơ hội tìm việc làm. Năm 2019, xã phấn đấu đạt tỷ lệ 18% lao động nông thôn được qua đào tạo nghề. Đây là kết quả đáng kể đối với xã vùng đặc biệt khó khăn.
Chú trọng khơi nguồn nội lực phát triển KT-XH, năm qua, Do Nhân đạt thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,5%. Xã đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là y tế và thông tin truyền thông.