(HBĐT) - Nếu tính về quãng đường thì từ TP Hòa Bình đến xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chỉ khoảng hơn chục km. Song tính về sự phát triển lại là khoảng cách quá xa đối với một xóm thuộc xã đặc biệt khó khăn của vùng hồ Hòa Bình.
Người dân xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển nuôi cá lồng bè, cải thiện thu nhập.
Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được con đường gập ghềnh ổ trâu, ổ gà và sạt lở nhiều đoạn do mưa bão của các xóm Tháu, Vôi, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình). Sau đó tiếp tục lần theo con đường dân sinh heo hút, ngoằn ngoèo mà nhiều đoạn tưởng như đi vào rừng sâu, chúng tôi mới thấy được vài ba nếp nhà. Thở phào vì nghĩ đã tới được xóm Nưa, vậy mà có tiếng nói từ ngôi nhà sàn vọng ra: "Xóm ở bên kia sông cơ anh chị ơi, đây chỉ là một chòm thôi”. Rồi liên lạc, chờ đợi một hồi, trưởng xóm Đinh Tiến Dũng cũng cập bến chiếc thuyền máy đưa khách sang sông.
"Vất vả quá anh chị nhỉ. Xóm không có đường bộ, 100% đi lại bằng đường thủy. Từ UBND xã đến đây cũng mất gần 1 tiếng đi thuyền. Năm nay, nước hồ cạn, từ thuyền lên đến xóm cũng mất đoạn khá cao” - trưởng xóm Nưa mở đầu câu chuyện như để chia sẻ với khó khăn của khách, mà đáng lẽ ra cán bộ, nhân dân nơi đây mới cần nhận được nhiều sự sẻ chia.
Xóm Nưa có 69 hộ, 283 nhân khẩu. Cả xóm chỉ có 8 ha gieo trồng, trong đó 2 ha trồng ngô và 6 ha trồng sắn. Diện tích chính là đồi rừng với trên 500 ha rừng tự nhiên, rừng trồng và diện tích mặt hồ khá lớn. Do vậy, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nuôi trồng, khai thác thủy sản và nguồn lợi từ rừng.
Biến khó khăn thành thế mạnh và nhờ thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè của tỉnh, hiện nay, xóm Nưa phát triển được gần 80 lồng nuôi cá, trong đó có 72 lồng sắt được hỗ trợ kinh phí 50%. Ngoài ra, xóm có trên 80% hộ tham gia khai thác thủy sản trên hồ Hòa Bình. Xóm được tỉnh, huyện tổ chức lớp dạy nghề và chuyển giao KHKT về nuôi trồng thủy sản đã giúp bà con có kỹ năng, kiến thức, từng bước khắc phục khó khăn thường gặp do dịch bệnh trên đàn cá để sản xuất bền vững.
Chị Xa Thị Tự, một người dân trong xóm chia sẻ: Nhà tôi có 2 lồng, nuôi khoảng 100 con cá trắm đen. Bình quân mỗi năm thu trên 1 tạ cá. Ngoài ra, hàng đêm, gia đình đi cất vó tôm, cá trên hồ. Có ngày may mắn cũng thu được gần tạ cá con. Trở ngại ở đây là không có đường, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phụ thuộc vào tư thương, giá cả không ổn định, nhiều khi bị o ép nên khó khăn chồng thêm khó khăn.
Hiện nay, người dân xóm Nưa còn nhiều trở ngại để tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Cả tuần mới có 1 thuyền chợ ghé vào để bà con mua sắm. Sản phẩm làm ra ít khi người dân tự mang đi bán mà dựa vào tư thương đến thu mua, do đó giá bán thấp. Đơn cử như mùa măng năm nay, người dân trong xóm phấn khởi nói bán được giá cao hơn khá nhiều so với mọi năm (15.000/kg). Trong khi cũng thời điểm đó, người tiêu dùng ở TP Hòa Bình phải mua tới 30.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn.
Hướng ánh mắt về lòng hồ mênh mông, trưởng xóm Đinh Tiến Dũng tâm sự: Xóm Nưa còn tới 28 hộ nghèo và nhiều hộ cận nghèo. Năm qua, thu nhập bình quân mới đạt 10 triệu đồng/người. Không chỉ thiếu đường mà xóm còn thiếu nhiều thứ lắm. Cả xóm mới có 28 hộ được vay vốn với dư nợ trên 730 triệu đồng nên nhiều hộ không có tiền đầu tư lồng nuôi cá để tận dụng diện tích mặt nước hay chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Một bộ phận người dân thiếu kinh nghiệm, kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất. Xóm ở gần bờ sông, nguy cơ sạt lở cao. Năm qua có 7 hộ ở trong vùng nguy hiểm phải yêu cầu di dời. Tuy có gần 70 hộ nhưng lại sinh sống rải rác thành từng chòm ven hồ, do vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân cũng là trở ngại của cán bộ xóm. Nan giải nhất là công tác giáo dục. Vì xa trung tâm xã nên xóm có 1 chi trường. Tuy nhiên, từ lớp 1 đến lớp 5 các cháu phải học lớp ghép. Phòng học thì xuống cấp, trang thiết bị giảng dạy không đầy đủ, học sinh phần lớn đi học bằng thuyền nên việc duy trì được sỹ số học sinh đã là thành công.
Xóm Nưa gần mà xa với nỗi niềm đong đầy. "Chúng tôi mong lắm được mở con đường từ xóm Vôi qua xóm Nưa sang xã Bình Thanh (Cao Phong) để tạo điều kiện giúp bà con giao thương hàng hóa, thúc đẩy KT - XH. Tuyến đường này đã từng được khảo sát thiết kế mà chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai”. Mong rằng tâm tư của trưởng xóm Đinh Tiến Dũng và người dân xóm Nưa sớm trở thành hiện thực.
Bình Giang
(HBĐT) - Ngày 4/9, Sở LĐ - TB &XH tỉnh phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em và lập Kế hoạch công tác Bảo vệ trẻ em tỉnh năm 2020. Tham dự hội thảo có 76 đại biểu đại diện cho 11 huyện, thành phố; Trưởng Ban và cán bộ Quản lý Ca của 8 xã dự án thuộc 4 huyện: Mai Châu, Lạc Sơn, Yên Thủy và Đà Bắc.
(HBĐT) - Lương Sơn hiện có trên 21.800 thanh niên (độ tuổi từ 16-30), chiếm 23,8% dân số toàn huyện. Những năm qua, huyện dành sự quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) tham gia tích cực các phong trào, hoạt động phát triển KT- XH, giữ vững QP-AN trên địa bàn.
(HBĐT) - Chuẩn bị bước vào năm học mới, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1217, chỉ đạo việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HS, SV) năm học 2019-2020. Trong đó nêu rõ: Để đảm bảo tỷ lệ HS,SV tham gia BHYT năm học 2019 - 2020 đạt 100%, Chủ tịch UBND tỉnh giao: BHXH tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
(HBĐT) - Ngày 3/9, HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" trên địa bàn huyện Lương Sơn giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc khảo sát.
(HBĐT) - Ngày 29/8/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” (Chỉ thị 36). Việc thực hiện Chỉ thị đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác PCPNN.
(HBĐT) - LĐLĐ tỉnh vừa tổ chức phát động CNVC-LĐ tỉnh hưởng ứng Chương trình 1.000 tấn xi măng chung sức xây dựng nông thôn mới.