(HBĐT) - Thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao và tính chất phức tạp, gây tổn hại đến tính mạng, nhân phẩm người phụ nữ và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Để thể hiện rõ chức năng, vai trò của tổ chức Hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, trong gần 10 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ với nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả.
Theo Hội LHPN tỉnh, từ năm 2010-2018, toàn tỉnh có 2.603 vụ BLGĐ (trong đó có 1.153 vụ bạo lực về tinh thần, 772 vụ bạo lực về thể chất, 196 vụ bạo lực về kinh tế, 43 vụ bạo lực về tình dục). Nguyên nhân được xác định từ những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình về kinh tế, tình cảm, tính cách… Nạn nhân thường che dấu hành vi bạo lực, cam chịu, đặc biệt là người phụ nữ trong gia đình vì xấu hổ với người thân, làng xóm không muốn chia sẻ để giữ gìn thể diện, không dám tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài…
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trước thực trạng trên, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp cụ thể như: Xây dựng văn bản chỉ đạo các cấp Hội; tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân chấp hành Luật Phòng, chống BLGĐ; tổ chức hội nghị tuyên truyền và triển khai luật tới các cấp Hội; chỉ đạo các cấp Hội tích cực nắm tình hình, thông tin về BLGĐ từ cơ sở; phát giác và tố giác hành vi BLGĐ, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ; tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình "Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”...
Từ những định hướng, công tác chỉ đạo cụ thể, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ, chú trọng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động. Cụ thể, phối hợp tổ chức 1.650 cuộc tuyên truyền, phổ biến với các hình thức: thi viết, sân khấu hóa, giao lưu, sinh hoạt chi hội…; giai đoạn 2008-2011 phối hợp với Hiệp hội hợp tác Quốc tế (GRET) tổ chức nghiên cứu về BLGĐ đối với phụ nữ tại 6 xã của 3 huyện, thành phố; tổ chức 10 hội nghị cấp huyện và 1 hội nghị cấp tỉnh với chủ đề "Phòng, chống BLGĐ” giai đoạn 2013-2015…
Cùng với đó, công tác nâng cao năng lực cho cán bộ Hội trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ cũng là một trong những nội dung quan trọng. Các cấp Hội đã tổ chức 18 lớp tập huấn cho 40 báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và trên 200 tuyên truyền viên các cấp; phối hợp tổ chức 110 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 4.950 cán bộ, hội viên, cộng tác viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở. Việc thực hiện các quy định pháp luật được chú trọng. Các cấp Hội đã tổ chức các buổi tọa đàm phổ biến nội dung Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); thành lập 2 CLB "Phụ nữ với pháp luật thúc đẩy quyền tham gia” tại huyện Tân Lạc; 13 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Phòng, chống mua bán người; 2 cuộc khảo sát về tình hình phụ nữ dân tộc thiểu số với CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; 8 lớp tập huấn cho 280 cán bộ chi, tổ, hội viên phụ nữ nòng cốt ở cơ sở để triển khai thực hiện Đề án 554 của Chính phủ. Các cấp Hội thực hiện hiệu quả các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân BLGĐ (thành lập hòm thư hoilhpnhoabinh@gmail.com và đường dây nóng: 02183.894.895); tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới; thành lập đoàn giám sát và tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ tại các huyện.
Nhờ tích cực triển khai các hoạt động, công tác phòng, chống BLGĐ đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh; nhận thức của chị em về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Nhiều chị em đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về vật chất, tinh thần.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên chia sẻ thêm: Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống BLGĐ tiếp tục phát huy hiệu quả cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân trong việc thực thi các nội dung của Luật Phòng, chống BLGĐ, từ đó xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phát triển KT-XH ở địa phương.