Đồng chí Phùng Gia Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Nê, người nhiều năm trực tiếp chỉ đạo và tham gia cùng các tổ hòa giải cho biết: Dù hòa giải cơ sở là công việc không quá phức tạp, nhưng có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm, tranh chấp không lớn trong nội bộ nhân dân. Qua đó ngăn ngừa phát sinh các loại tội phạm hình sự, tranh chấp về dân sự và các vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện của người dân. Vì vậy, lực lượng nòng cốt tham gia tổ hoà giải là đội ngũ cán bộ, đảng viên các chi bộ thôn, khu phố cùng đại diện MTTQ và các đoàn thể nhân dân; dùng tiếng nói và uy tín của mình để gìn giữ mối đoàn kết, trật tự tại nơi cư trú. Khi xây dựng tổ hòa giải của khu phố, chúng tôi đều chọn đề cử những người có uy tín, được bà con kính trọng, quý mến. Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong chấp hành các quy định và pháp luật, các thành viên của tổ còn nắm vững kiến thức pháp luật, khả năng vận động, thuyết phục người dân và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhờ vậy, họ có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình, diễn biến tại từng cụm dân cư; có những cách can thiệp, khuyên giải kịp thời, thỏa đáng. Cách làm của tổ cũng rất linh hoạt tùy theo tình hình thực tế. Có vụ việc chỉ cần 1 - 2 thành viên trong tổ đến từng gia đình để thăm hỏi, giải thích, thuyết phục trên phương diện tình cảm, "dĩ hòa vi quý” để hóa giải mâu thuẫn. Vụ việc phức tạp hơn thì tổ mời các bên cùng đến nhà văn hóa khu phố để trao đổi rõ ràng, tìm tiếng nói chung để hòa giải. Sau mỗi lần hòa giải thành công, chúng tôi đều họp đánh giá kết quả, báo cáo trước chibộ để rút kinh nghiệm cho những vụ việc mới.
Thành viên đội hòa giải thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) tìm hiểu kiến thức pháp luật nhằm phục vụ công tác hòa giải tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, hàng năm, các thành viên tổ hòa giải được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác, chú trọng quan tâm tới các kỹ năng: Định hướng giải quyết tranh chấp dân sự; phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, xử lý tình huống khi xảy ra mâu thuẫn; lập biên bản và báo cáo kết quả vụ việc tham gia hòa giải; thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành… Đồng thời, thị trấn cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình hoạt động hòa giải ở cơ sở để kịp thời có hỗ trợ cần thiết, lấy kết quả công tác hòa giải hiệu quả để làm cơ sở chấm điểm thi đua của các khu dân cư. Qua đó, chất lượng hoạt động hòa giải được nâng lên với tỷ lệ hòa giải thành công ngày càng cao. Năm 2018, các khu dân cư trên địa bàn thị trấn đã hòa giải thành công 25 vụ việc tại cơ sở, 9 vụ việc được chuyển thị trấn giải quyết, thị trấn đã xử lý thành công 8 vụ việc và chuyển 1 vụ việc lên cấp huyện giải quyết. Từ đầu năm đến nay, các khu dân cư cũng đã hòa giải thành công trên 10 vụ việc, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn gia đình vợ chồng, tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế và thị trấn đã xử lý 7 vụ việc, trong đó hoàn thành 4 vụ việc.
Đinh Hòa