Trẻ em thể hiện thông điệp về bạo lực, xâm hại trẻ em tại Diễn đàn trẻ em tỉnh năm 2019.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em như: môi trường sống của trẻ tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bạo lực, xâm hại tình dục; cha mẹ nghiện chất kích thích, ma túy, rượu, bia; địa bàn rừng núi đi lại khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt... Một số gia đình coi việc sử dụng bạo lực như một phương pháp giáo dục "yêu cho roi cho vọt”. Ngoài ra, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và nhà trường chưa được quan tâm. Các thành viên trong gia đình, nhà trường chưa nắm vững kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng phống bạo lực gia đình, học đường. Người dân chưa có ý thức, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em gây khó khăn cho công tác điều tra, dẫn tới chưa kịp thời răn đe, xử lý tội phạm. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác tuyên truyền hoặc tuyên truyền còn ít, hiệu quả chưa cao.
Nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ pháp lý về vấn đề bạo lực, XHTDTE, trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện Dự án "Nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ pháp lý về bạo lực, XHTDTE cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” (Dự án). Trong 2 ngày 7 - 8/10 vừa qua, dự án đã tiến hành khảo sát và phỏng vấn sâu 200 người là trẻ em, cha mẹ trẻ em, lãnh đạo chính quyền địa phương của phường Đồng Tiến, phường Hữu Nghị và xã Trung Minh (TP Hòa Bình) nhằm tìm hiểu thực trạng bạo lực, xâm hại tình dục và nhu cầu nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông qua điều tra, phỏng vấn sâu, đoàn khảo sát nắm được nhu cầu của chính quyền cấp xã, phường về việc trang bị bộ tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, XHTDTE cho các trường học, nhất là các trường THCS.
Đồng chí Đinh Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Minh cho biết: Dự án được triển khai góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng trong phòng ngừa bạo lực, XHTDTE. Những câu hỏi phỏng vấn đã giúp trẻ em, cấp ủy, chính quyền và người dân có cái nhìn tổng quát về bạo lực, xâm hại trẻ em. Từ đó, mọi người được trang bị những kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chúng tôi mong muốn kết thúc dự án, trường Đại học Luật Hà Nội có thể ban hành bộ tài liệu về phòng, chống bạo lực, XHTDTE cho các trường học".
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đánh giá: Dự án đã đánh giá khách quan nhận thức của người dân về thực trạng bạo lực, XHTDTE cũng như nhu cầu nâng cao nhận thức, hỗ trợ pháp lý về vấn đề này. Dự án góp phần nâng cao nhận thức cho cha mẹ trẻ em, lao động trẻ em, người sử dụng lao động trẻ em, lãnh đạo chính quyền địa phương về bạo lực và XHTDTE. Trang bị cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ bản thân để tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; nhận biết nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; nắm được các biện pháp cảnh báo nguy cơ bạo lực, XHTDTE và đặc biệt có được kỹ năng xử lý khi bị bạo lực, xâm hại. Đây cũng là cơ hội để cán bộ, người dân được tiếp cận với sự hỗ trợ pháp lý chuyên sâu về bạo lực và XHTDTE; từ đó nâng cao nhận thức để phòng, chống bạo lực, XHTDTE và bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.
Thu Thủy