(HBĐT) - Thác Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) là điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từ khi nguồn nước suối Mu bị chặn bởi đập chắn nước của nhà máy thủy điện Suối Mu thì thác Mu đã mất đi vẻ hoang sơ, quyến rũ. Cũng vì thế, số lượng du khách đến thác Mu đang vơi dần. Một số hộ dân đã kiến nghị, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền với mong muốn có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cơ quan chức năng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Do bị chặn nguồn nước, thác Thác Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) đã mất đi vẻ đẹp vốn có.
Thác Mu bị chặn nguồn nước nên các hoạt động du lịch, dịch vụ trong khu vực đã trở nên đìu hiu, vắng vẻ.
Đường ống dẫn nước của Nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng đến sản xuất của dân cư trên địa bàn.
Ông Bùi Văn Dựng, một chủ hộ làm du lịch homestay ở xã Tự Do cho biết: Sau khi thác Mu được UBND tỉnh xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh (tháng 11/2017), du lịch homestay, du lịch sinh thái đã trở thành sinh kế của hàng chục hộ dân, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thủy điện Suối Mu với đập chắn tích nước ngay trên đỉnh thác Mu đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quyền lợi giữa chủ đầu tư và người dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Tự Do Bùi Văn Thiên, thực tế, chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Suối Mu không nhận được sự đồng thuận cao của một số hộ dân trên địa bàn. Năm 2016, dự án vẫn được triển khai. Ngay sau khi đập chắn tích nước và các hạng mục chính của nhà máy hoàn thành, mâu thuẫn đã bắt đầu phát sinh. Thời gian gần đây, nhất là từ tháng 6/2019 đến nay, nước về thác nhiều hay ít là do nhà máy thủy điện điều tiết. Với mong muốn duy trì và phát triển du lịch, dịch vụ, khi có khách du lịch đến, người dân phải lên nhà máy thủy điện "năn nỉ” xin xả nước. Thậm chí không ít lần, người dân phải đề nghị chính quyền xã can thiệp thì thác Mu mới có nước cho du khách thưởng ngoạn. Tình trạng này nếu không được giải quyết sớm rất có thể dẫn đến xung đột, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn xã Tự Do có hơn 20 hộ làm du lịch homestay và 50 hộ tham gia dịch vụ, du lịch sinh thái. Đến Tự Do, du khách không chỉ được thưởng ngoạn ở thác Mu mà còn được hướng dẫn viên là người địa phương đưa đi thăm quan rừng già, cùng trải nghiệm với người dân gieo, cấy, thu hoạch mùa màng, đan lát các sản phẩm truyền thống, thưởng thức ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, bình quân mỗi ngày, danh thắng thác Mu đón tới 4.000 - 5.000 lượt khách.
Ông Bùi Văn Dựng cho biết thêm: Do nguồn nước về thác Mu được điều tiết không kịp thời hoặc "nhỏ giọt” làm ảnh hưởng đến cảnh quan, nhiều hộ làm du lịch bắt buộc phải hủy tour khi có khách đặt đơn hàng. Thời điểm này, các hộ làm du lịch homestay đón tiếp trên 100 khách quốc tế, chủ yếu là du lịch trải nghiệm và thăm quan khám phá rừng già, vì quá ít nước nên mọi người đều nuối tiếc khi không được ngắm cảnh thác Mu. Cũng vì thế mà hàng chục hộ làm dịch vụ cũng đành phải đóng cửa, nên điểm du lịch thác Mu những ngày này rất đìu hiu. Bên cạnh đó, việc điều tiết nước của nhà máy thủy điện Suối Mu không có lịch trình cụ thể, có thời điểm nước thượng nguồn về nhiều nhà máy xả nước bất ngờ, không báo trước cho người dân khu vực hạ lưu đã gây nguy hiểm cho du khách. Rất may chưa dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Không chỉ ảnh hưởng đến phát triển du lịch, việc xây dựng nhà máy thủy điện Suối Mu còn tác động không nhỏ đến hệ sinh thái và sản xuất của dân cư trên địa bàn. Bà Bùi Thị Sim, xóm Mu Khướng cho biết: Nhà máy thủy điện Suối Mu làm đường ống dẫn nước qua ruộng 2 vụ của chúng tôi. Theo đó, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, hệ thống kênh mương thủy lợi trước đây không còn tác dụng, nên mặc dù đã chuyển sang trồng màu nhưng hiệu quả thấp vì thiếu nước tưới. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền can thiệp để nhà máy thủy điện Suối Mu hoàn trả lại hệ thống kênh mương, cung cấp nước ổn định để người dân thâm canh đúng khung thời vụ các loại cây trồng.
Trước phản ánh, kiến nghị của nhân dân, trong tháng 10/2019, UBND huyện Lạc Sơn đã giao Phòng KT&HT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong huyện, chính quyền xã Tự Do, đại diện xóm Mu Khướng và Công ty CP Thủy điện Suối Mu họp bàn đánh giá, đề xuất các phương án giải quyết những vấn đề vướng mắc tại nhà máy thủy điện và nhân dân xóm Mu Khướng. Cũng trong tháng 10, Phòng KT&HT phối hợp tiến hành kiểm tra đột xuất hiện trường, đánh giá tình hình hoạt động của nhà máy thủy điện Suối Mu. Theo đó, đề nghị Công ty CP Thủy điện Suối Mu chủ động phối hợp xây dựng hoàn trả các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng và hư hỏng trong quá trình thi công xây dựng nhà máy; hỗ trợ nhân dân xóm Mu Khướng xây dựng tuyến mương Cốc Vả để ổn định sản xuất; phối hợp hoàn chỉnh công tác thỏa thuận đền bù đất đai, tài sản các hộ dân bị ảnh hưởng và giải quyết đền bù dứt điểm diện tích đất 5% do xã Tự Do quản lý; hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định để đề xuất Sở Công Thương đánh giá, nghiệm thu công trình; Công ty CP Thủy điện Suối Mu chỉ được phép đưa công trình thủy điện vào hoạt động khi có văn bản thông báo kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình. Tuy nhiên, đến nay, những tồn tại, vướng mắc đó vẫn chưa được xử lý, giải quyết.
Từ thực tế trên, UBND huyện đã xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại suối Mu để làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, thứ tự ưu tiên gồm: nước sinh hoạt cho dân cư; phục vụ phát triển du lịch; hoạt động của nhà máy thủy điện Suối Mu. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Thanh Tùng, hiện tại, Công ty CP Thủy điện Suối Mu vẫn còn nhiều tồn tại chưa giải quyết dứt điểm trước khi đưa nhà máy thủy điện đi vào hoạt động. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và đề nghị các cấp có thẩm quyền tập trung chỉ đạo, các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ để Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại suối Mu được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đời sống dân sinh, phát triển du lịch và hoạt động của nhà máy thủy điện Suối Mu.
Rõ ràng, việc công nhận, xếp hạng di tích danh thắng thác Mu là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tự Do nói riêng, huyện Lạc Sơn nói chung quyết tâm hơn nữa để phấn đấu khai thác hiệu quả giá trị danh thắng. Tuy nhiên, từ những bất cập diễn ra trong thời gian qua, dư luận mong muốn chính quyền huyện Lạc Sơn, xã Tự Do cùng các cấp có thẩm quyền, các ngành chức năng vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để tạo sự ổn định, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn ngày một phát triển.
Nhóm P.V Phòng Báo Hòa Bình điện tử
(HBĐT) - Cất công xây bể chứa, hai lần đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước nhưng đến nay vẫn phải "trung thành” với nước giếng đào hoặc bỏ công sức chở từng can nước về dùng. Đó là tình trạng chung của nhiều hộ dân xã Cao Thắng (Lương Sơn) trong những tháng mùa khô, mặc dù trên địa bàn xã, 1 công trình nước sạch trị giá hơn chục tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng.
(HBĐT) - Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy năng lực trong học tập, lao động và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
(HBĐT) - Tối
ngày 9/11, BTV Tỉnh đoàn tổ chức chương trình giao lưu truyền thông với chủ đề
"Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” năm 2019 tại xã Phú Minh (Kỳ
Sơn). Tham dự buổi giao lưu có đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn; Tổng cục Dân số -
KHHGĐ (Bộ Y tế), Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh,
huyện Kỳ Sơn, xã Phú Minh cùng trên 500 ĐVTN và nhân dân trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngày
9/11, tại xã Đồng Chum (Đà Bắc), Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Chương trình ra
quân tình nguyện mùa đông năm 2019 - Xuân tình nguyện năm 2020 và hành trình
"Tôi yêu tổ quốc tôi năm 2019". Dự chương trình ra quân có lãnh đạo
Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh, huyện Đà Bắc cùng trên 300 đoàn viên, hội
viên tham gia hưởng ứng.
(HBĐT) - Ngày 9/11/2019, Công đoàn ngành Công thương tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ bàn giao nhà mái ấm công đoàn chị Đinh Thị Huế tại xóm Phủ, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc là đoàn viên công đoàn công ty TNHH May RNS Global.
(HBĐT) - Trước năm 2016, tại xã Tân Vinh (Lương Sơn), những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang vẫn tồn tại. Thanh niên muốn cưới vợ phải chấp hành luật thách cưới rất cao từ lễ vật ăn hỏi cho tới lễ vật để xin dâu. Tình trạng người chết để quá 48 giờ trong nhà vẫn diễn ra. Để khắc phục tình trạng trên, năm 2016, cấp ủy, chính quyền xã Tân Vinh đã chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.