(HBĐT) - Trong vài tháng trở lại đây, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Cao Phong xuất hiện tình trạng người dân dùng máy kích điện bắt giun đất để bán cho người thu gom. Chỉ vì cái lợi trước mắt, nhiều người đã tận diệt giun đất, hủy hoại môi trường sinh thái. Nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã khẩn trương vào cuộc ngăn chặn.
Ngày 12/11, chúng tôi đến gia đình anh Bùi Văn Hiếu, xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong. Tại gia đình vẫn còn lò sấy giun khoảng 15 m2 muội khói đen ám đầy bên trong, dấu vết của việc sấy giun và một số dụng cụ còn sót lại như đầu kích, giàn phơi... Anh Hiếu cho biết: Gia đình có người quen ở tỉnh Vĩnh Phúc là Trần Văn Hưng. Từ ngày 8/10, ông Hưng đã mang 7 máy kích giun đất và máy mổ giun lên. Mấy người trong gia đình và một số người họ hàng trong xã đã dùng máy để đi kích giun. Ngày nắng được ít, ngày mưa được nhiều hơn, trung bình gom được khoảng 40 kg giun tươi/ngày. Gia đình tận dụng chuồng lợn cũ, bọc giấy bạc, lợp thêm bạt để làm lò sấy giun. Khoảng sân rộng cũng được tận dụng để thu mua giun và thực hiện sơ chế, rồi cho vào lò sấy. Với giá 20.000 đồng/kg giun tươi, mỗi người thu được khoảng 150.000 đồng/ngày. Do thiếu hiểu biết về tác hại của việc kích giun, lại đang không có việc làm nên tôi mới làm vậy. Khi được tuyên truyền, nhắc nhở, tôi không làm nữa, máy kích giun đã trả về Vĩnh Phúc.
Trước đó, ngày 6/11, tổ công tác liên ngành của huyện gồm các ngành: TN&MT, NN&PTNT, Công an phối hợp với xã, xóm kiểm tra tại hộ ông Bùi Văn Kinh (bố của Bùi Văn Hiếu). Khi đó, tại gia đình có lò sấy giun và khoảng 10 kg giun khô. Gia đình mổ giun bằng máy, xả thải trực tiếp ra vườn nhà. Khu vực sơ chế mùi tanh, khó chịu, gây cảm giác chướng bụng, buồn nôn. Tổ công tác đã lập biên bản, đề nghị gia đình dừng ngay việc kích, thu gom, sơ chế giun và thông báo cho ông Trần Văn Hưng ở tỉnh Vĩnh Phúc biết về nội dung làm việc. Tuy nhiên, ông Kinh đã không ký vào biên bản làm việc với lý do các hộ khác làm trước chưa bị lập biên bản của cơ quan có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Phong Bùi Ngọc Danh cho biết: Tình trạng kích điện bắt giun đất bán xuất hiện từ khoảng tháng 9/2019. Người ở nơi khác, tỉnh khác mang máy đến cho người dân địa phương đi kích điện giun bán lại cho họ. Khoảng hơn 20 người dân trong xã tham gia kích điện giun để bán cho người thu mua. Lúc đầu, người dân thường kích dọc các tuyến đường, sau đó có cả tình trạng kích ở ruộng, thậm chí vào cả vườn cam, bưởi. Đầu tháng 10/2019, xuất hiện hộ làm lò sấy giun tại xóm Đồng Mới. Ngày 4/11/2019, UBND xã đã ban hành Công văn số 13/CV-UBND về việc tuyên truyền, vận động, ngăn chặn tình trạng dùng kích điện để bắt giun đất theo kiểu tận diệt, hủy hoại môi trường sinh thái. Vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng ở địa phương khác làm những việc nêu trên để tránh hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất và sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Các xóm xây dựng quy chế hoặc bổ sung vào hương ước để quy trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Thông báo trên loa xóm về tác hại của việc tận diệt giun đất, công khai danh tính những người vi phạm. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Đến nay, tình trạng kích điện giun đã cơ bản được ngăn chặn.
Theo tìm hiểu, trung bình khoảng 13 - 14 kg giun tươi chế biến được 1 kg giun khô. Mỗi mẻ sấy bằng than củi kéo dài khoảng 4 giờ. Giun khô bán giá khoảng 600.000 đồng/kg và người thu mua sau cùng là người nước ngoài. Máy kích giun hoàn toàn chữ nước ngoài nhưng khá đơn giản gồm 2 que sắt nhọn được nối với bộ ắc quy điện. Khi kích cắm que sắt xuống đất, khoảng mấy chục giây sau, giun lớn, giun nhỏ đều chui hết lên. Người dân kích cả ban ngày lẫn ban đêm, cả ngày mưa lẫn ngày nắng. Riêng tại xã Dũng Phong, hàng tấn giun đất đã bị kích bán.
Theo Phòng TN&MT huyện, qua nắm tình hình các xã báo cáo, đến ngày 12/11 có 5 xã xuất hiện tình trạng người dân dùng máy kích điện để bắt giun đất bán là: Thu Phong, Dũng Phong, Bình Thanh, Tân Phong, Nam Phong. Trong đó, tại xã Dũng Phong nhiều nhất và có lò sấy. Còn tại các xã khác, người dân đi kích rồi bán giun tươi cho người thu gom. Người thu mua giun tươi chủ yếu từ nơi khác đến, mua không theo giờ cố định, có lúc ban ngày, có lúc cả buổi tối.
Trưởng phòng TN&MT huyện Lê Xuân Hà cho biết: Khi nắm được thông tin, phòng đã tham gia đoàn công tác kiểm tra thực tế. Ngày 11/11/2019 đã tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 996/UBND-TN&MT về tăng cường quản lý việc người dân dùng máy kích điện bắt giun đất làm ảnh hưởng đến môi trường và sinh thái trên địa bàn huyện. Theo đó, Phòng TN&MT, NN&PTNT, Công an huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng tận diệt giun đất, hủy hoại môi trường đất. Trung tâm VH-TT&TT huyện đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc sử dụng kích điện bắt giun đất. Các xã, thị trấn sát sao cơ sở, tăng cường quản lý, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhân dân không kích điện bắt giun, xây lò sấy giun. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định của pháp luật đối với hành vi dùng kích điện để bắt giun đất chưa cụ thể, rõ ràng nên cơ quan chức năng cấp huyện khó xử lý. Ngày 6/11, UBND huyện ban hành Công văn gửi Sở TN&MT về việc hướng dẫn chỉ đạo, xử lý hành vi trên.
Giun đất được ví như lưỡi cày dưới lòng đất, làm tơi xốp đất, tăng độ phì nhiêu của đất. Tận diệt giun đất là hành vi phá hoại môi trường. Vì vậy, cơ quan chức năng các cấp cần tập trung ngăn chặn triệt để tình trạng kích điện bắt giun đất bán.
Sau khi nhận được Công văn số 980/UBND-TN&MT ngày
6/11/2019 của UBND huyện Cao Phong, ngày 13/11/2019, Sở TN&MT đã ban hành
Công văn số 2416/STNMT-BVMT về việc tuyên truyền, vận động và kiểm tra hoạt
động đánh bắt giun đất bằng kích điện hoặc hóa chất. Theo đó, trả lời: Hành
vi kích điện bắt giun đất là hành vi khai thác hủy diệt nguồn tài nguyên sinh
vật trong đất, bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ
môi trường năm 2014. |
Cẩm Lệ