Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mỗi năm tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt hàng chục dự án cần nhu cầu thu hồi đất trên diện tích lớn. Thế nhưng, thực tế số dự án thực hiện đúng tiến độ rất ít, phần lớn chậm tiến độ phải chuyển tiếp sang năm sau, hoặc dừng triển khai gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân vùng dự án.


Việc thi công bờ kè hồ Hạ, Dự án hồ Gia Nghĩa đang bị chậm tiến độ đẩy sang năm 2020.

Hàng trăm dự án lỡ hẹn

Dự án hạ tầng công viên hồ Thiên Nga, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục thu hồi đất trong năm 2019, có diện tích cần thu hồi là 25 ha, với tổng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng 120 tỷ đồng. Do triển khai chậm tiến độ nên dự án này phải chuyển tiếp sang năm 2020 mới thực hiện. Dự án chậm triển khai đồng nghĩa với việc nguồn vốn bố trí cho dự án không giải ngân được gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhu cầu vốn đầu tư các khu vực khác đang rất khát.

Trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, ngoài những dự án sử dụng vốn ngân sách thì nhiều dự án, công trình huy động vốn ngoài ngân sách cùng chung thực trạng nêu trên. Dự án Công viên sinh thái thác Liêng Nung, xã Đắk Nia có quy mô thu hồi đất 330 ha, chi phí giải phóng mặt bằng 500 tỷ đồng cũng phải chuyển tiếp sang năm 2020. Những người dân trong vùng dự án rất lo lắng với tiến độ triển khai như "rùa bò” của dự án này. Cũng trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, tại các dự án xây dựng khu đô thị như: Khu đô thị mới số 1 dọc trục đường bắc nam, Khu đô thị mới số 2 đều trên địa bàn phường Nghĩa Trung… có vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước với hàng trăm tỷ đồng cũng đều phải chuyển tiếp sang năm 2020.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa có đến 59 công trình, dự án được thông qua danh mục thu hồi đất trên diện tích hơn 1.818 ha, nhưng phải chuyển sang năm 2020 mới triển khai. Các dự án này cần nguồn vốn giải phóng mặt bằng hơn 3.600 tỷ đồng.

Cùng chung thực trạng với thị xã Gia Nghĩa, tại các địa phương như huyện Krông Nô có 17 công trình, dự án với diện tích đất cần thu hồi hơn 85 ha, vốn giải phóng mặt bằng 79,1 tỷ đồng; huyện Đắk R’lấp có 12 dự án, dự kiến thu hồi hơn 400 ha đất, tổng vốn giải phóng hơn 400 tỷ đồng… cũng phải chuyển thời gian triển khai từ năm 2019 sang năm 2020.

Theo đánh giá, có hơn 50% dự án chuyển và hủy kế hoạch thực hiện trong năm 2019. Cụ thể: Ngày 14-12-2018, HĐND tỉnh Đắk Nông thông qua Nghị quyết số 24 về danh mục các dự án cần thu hồi đất với 202 công trình, dự án tại tám huyện, thị xã để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng năm 2019. Qua một năm triển khai thì có tới 89 dự án chưa thực hiện và xin chuyển sang năm 2020 (chiếm tỷ lệ 44%); 12 dự án xin hủy bỏ (tỷ lệ 8%). Toàn tỉnh chỉ có 97 công trình, dự án (chiếm tỷ lệ 48%) đã và đang thực hiện; trong đó, chỉ có 47 dự án đã thực hiện xong, 50 dự án đang thực hiện và chuyển sang năm 2020.

… nhưng vẫn tiếp tục trình dự án

Năm 2020, tỉnh Đắk Nông dự kiến tiếp tục trình HĐND tỉnh này thông qua 69 dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, có 65 dự án thu hồi hơn 240 ha đất bao gồm: thị xã Gia Nghĩa có 12 dự án; các huyện Đắk Mil bốn dự án, Đắk Song năm dự án, Krông Nô 10 dự án, Cư Jút bảy dự án, Đắk Glong 14 dự án, Đắk R’lấp năm dự án và huyện Tuy Đức tám dự án. Riêng đối với ba dự án xin chuyển mục đích sử dụng hơn 11 ha từ đất trồng lúa sang làm gạch không nung, nhà ở xã hội đều tập trung ở huyện Cư Jút. Có một dự án xin chuyển 0,4 ha đất rừng phòng hộ sang xây dựng Thủy điện tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp.

Thẩm tra Tờ trình của UBND tỉnh Đắk Nông về việc thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2020, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Nông Lê Quốc Đông cho biết, số dự án đã công bố thu hồi đất mà không thực hiện được trong năm 2019 là rất lớn. Với diện tích đất dự tính phải thu hồi từ 139 dự án là hơn 3.200 ha đất, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 4.800 tỷ đồng, nhưng không triển khai được thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Cũng theo ông Đông, không chỉ có dự án phải thực hiện trong năm 2019, ngay như Dự án giao đất, giao rừng cho Công ty Phú Gia Phát ở huyện Krông Nô đã triển khai cả chục năm rồi, nhưng đến nay mới thực hiện được vài chục phần trăm là quá lãng phí. Dự án triển khai chậm thì cả người dân nằm trong quy hoạch dự án và doanh nghiệp đều chịu thiệt hại.

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Chu Văn An, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), dự kiến thu hồi 0,45 ha đất năm 2019 được đề xuất chuyển tiếp qua năm 2020.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đình Đạo, việc có nhiều dự án phải chuyển thời gian thực hiện làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Bởi vì, khi xây dựng danh mục dự án thì các địa phương đã tính đến nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, khi có nhiều công trình, dự án triển khai chậm rõ ràng là gây lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, cũng như việc cân đối huy động nguồn lực thực hiện…

Nói về danh mục các dự án cần thu hồi đất, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông Nguyễn Dưỡng chỉ ra thực trạng, có những địa phương khi xây dựng dự án, công trình cần thu hồi đất, nhưng không xác định rõ được vị trí nằm ở đâu. Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông Bùi Thanh Hà cho biết, thời gian qua, Sở đã loại 12 công trình, dự án ra khỏi danh mục thu hồi đất vì một số dự án không nằm trong quy hoạch sử dụng đất.

Để hạn chế việc chuyển tiếp các dự án, gây lãng phí nguồn lực, Phó Trưởng ban Văn hóa HĐND tỉnh Đắk Nông Phan Quốc Lập cho rằng, trước hết cần phải làm rõ được trách nhiệm của các địa phương. Các huyện, thị xã cứ đề nghị làm dự án rồi bỏ hoang thì rõ ràng công tác quản lý còn nhiều điều phải bàn. Các huyện, thị xã đăng ký nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương nhưng không cân đối được kinh phí thực hiện là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Việc bố trí kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng còn thiếu và chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án...

Có thể nói, việc hàng loạt dự án phải chuyển tiếp, hoặc dừng triển khai tại các địa phương ở Đắk Nông đã cho thấy, công tác kêu gọi, huy động nguồn lực thực hiện chưa hiệu quả. Ngoài việc dự án không bố trí đủ vốn trong quá trình thu hồi đất thì công tác công khai, minh bạch thông tin ở một số địa phương chưa rõ ràng cũng là nguyên nhân không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thu hồi đất tại các dự án.

TheoNhanDan

Các tin khác


 Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa

(HBĐT) - Vừa qua, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu TNXP chống Mỹ Đặng Văn Tiến, đơn vị D171, Đoàn 559, trú tại xóm Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc). 

Xã Bắc Sơn trăn trở tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa ít, nguồn nước tự nhiên từ các khe núi có dấu hiệu cạn kiệt. Vì vậy, người dân xã Bắc Sơn (Tân Lạc) gặp rất nhiều khó khăn trong việc dẫn nước về bể chứa để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thực trạng "khát” nước vào mùa khô diễn ra trong nhiều năm qua và vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đang cháy lớn tại khu công nghiệp Biên Hoà 2

Đến 21 giờ tối 1-12, đám cháy dữ dội vẫn đang xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất Mica, ở số 13, đường số 3, Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hơn 300 người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 30/11, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hòa Bình đã phối hợp với Công ty CPTM Dạ Hợp, Viện huyết học truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt IV năm 2019.

Thi thể và tro cốt 23 nạn nhân cuối cùng đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài

Sáng 30/11, chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đưa thi thể và tro cốt của 23 nạn nhân thiệt mạng tại Anh về đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Trong đợt hai, 16 thi thể nạn nhân và tro cốt của 7 nạn nhân được bàn giao cho đại diện các địa phương và vận chuyển về quê nhà bằng ô tô. Như vậy, toàn bộ thi thể và tro cốt của cả 39 nạn nhân đã về nước và được vận chuyển về quê nhà ở các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hải Phòng...

Hướng dẫn tra cứu thông tin thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

(HBĐT) - Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2017, là đơn vị đầu mối thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân. Nhằm hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch, giải quyết TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã xây dựng cuốn sổ tay "Hướng dẫn thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục