Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) gây ra, nhu cầu về các trang thiết bị y tế nhằm phòng, chống nCoV như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tăng cao đột biến. Trong khi các doanh nghiệp đang nỗ lực tăng năng suất bảo đảm nguồn cung cho thị trường, thì không ít tư thương lợi dụng tình hình để "găm hàng”, "thổi giá”, tạo cơn sốt ảo nhằm trục lợi. Dù các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, nhưng người tiêu dùng vẫn rất bức xúc vì không mua được sản phẩm hoặc phải mua với giá cao gấp hàng chục lần so giá trị thực.


Ngăn chặn hành vi

Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền tại các cửa hàng thuốc, dụng cụ y tế ở trung tâm phân phối dược phẩm và thiết bị y tế Hapu, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: TRẦN VIỆT (TTXVN)

"Ðỏ mắt" tìm mua khẩu trang

Có mặt tại trung tâm phân phối dược phẩm và thiết bị y tế Hapu trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), một trong những "chợ" thuốc lớn nhất miền bắc, chúng tôi chứng kiến từ tầng 1 đến tầng 5, không còn cảnh người chen chúc nhau tới mua khẩu trang như phản ánh trên mạng xã hội và báo chí vài ngày trước. Tuy nhiên, các mặt hàng vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch do nCoV gây ra như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn vẫn "cháy hàng". Ði hầu khắp các quầy hỏi mua, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Ðáng chú ý, sau khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý việc không niêm yết giá, có dấu hiệu đầu cơ "găm hàng", bán khẩu trang với giá "cắt cổ" tại các quầy thuốc trước đó, thì hiện tại, nhiều quầy đồng loạt trưng tấm biển có nội dung: "Không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi". Thậm chí, khi chúng tôi định chụp ảnh, lập tức một số nhân viên bảo vệ xuất hiện ngăn cản. Ðây là một dấu hiệu bất thường, khi hiện nay, trên mạng xã hội Facebook, một trang nhóm cộng đồng có tên "Chợ thuốc Hapulico" được cho là nhóm của những người bán thuốc tại đây, vẫn thấy có nhiều bài thông báo có bán khẩu trang y tế. Nếu có nhu cầu, người tiêu dùng vẫn có thể mua với giá cả thỏa thuận thông qua inbox (hộp thư) trả lời riêng, nhưng tất nhiên giá đã bị đẩy lên cao gấp nhiều lần mức bình thường (200 nghìn đến 250 nghìn đồng/hộp). Ðây chính là chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng của các nhà thuốc, nhằm tránh sự kiểm tra, xử phạt.

Không chỉ tại chợ thuốc Hapulico, tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế khá phổ biến tại hầu hết các nhà thuốc trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều khách hàng khi được hỏi đều cho biết, từ chiều ngày 3-2 trở lại đây, không còn nhiều nhà thuốc bán khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Anh Lê Khắc Toàn trú tại Ðịnh Công (Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay, anh đi khắp các nhà thuốc trên địa bàn TP Hà Nội cũng chỉ mua được 50 chiếc khẩu trang và hai đến ba chai nước rửa tay diệt khuẩn về cho gia đình sử dụng. Ðến nhà thuốc nào hỏi mua họ cũng tỏ thái độ khó chịu và chỉ tay vào biển thông báo "Không bán khẩu trang" hoặc tìm được nơi bán khẩu trang thì giá bị "đẩy" lên ở mức 350 nghìn đến 500 nghìn đồng/hộp 50 chiếc, trong khi mặt hàng này ngày thường chỉ bán ở mức 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/hộp. Cũng theo anh Toàn, nhiều nhà thuốc không muốn nhập thêm khẩu trang để bán, dù còn hàng cũng không muốn bán, bởi bán đắt thì bị phạt, bán gần giá nhập thì "không bõ công" cho nên các nhà thuốc nại lý do "hết hàng". Theo ghi nhận của chúng tôi tại điểm bán hàng của Công ty Dệt kim Ðông Xuân trên phố Khâm Thiên (Hà Nội), nhu cầu mua khẩu trang của người dân rất lớn. Hàng trăm người xếp thành hàng dài đứng chờ đến lượt mua khẩu trang vải kháng khuẩn Dệt kim Ðông Xuân sản xuất với giá 7.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, mỗi người chỉ được mua nhiều nhất năm chiếc bởi hiện năng suất của công ty này sản xuất chỉ đạt 60 nghìn chiếc/ngày, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, hiện tập đoàn và các đơn vị thành viên đang tập trung nâng cao công suất nhằm sản xuất và cung ứng khẩu trang ra thị trường. Trong đó, việc sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn được dùng cho trẻ sơ sinh và bệnh viện tại Nhật Bản theo tiêu chuẩn Nhật Bản là loại vải tốt nhất để chọn sản xuất khẩu trang trong thời điểm hiện tại. Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch do vi-rút nCoV, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn ở các địa phương trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao cần sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học,… chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ. Vinatex cũng đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài tập đoàn chung tay sản xuất khẩu trang phục vụ nhân dân và bình ổn thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Vinatex đã cung ứng ra thị trường hơn 500 nghìn khẩu trang vải và hơn 100 nghìn khẩu trang vải không dệt đã xử lý kháng khuẩn. Dự kiến từ ngày 12-2, công suất của Công ty Dệt kim Ðông Xuân sẽ đạt khoảng 200 nghìn khẩu trang/ngày; công suất may khẩu trang của toàn hệ thống Vinatex sẽ đạt 320 nghìn đến 350 nghìn chiếc/ngày. Ðến ngày 17-2, công suất may khẩu trang của Vinatex dự kiến đạt 450 nghìn đến 500 nghìn chiếc/ngày.

Cần chế tài mạnh để ổn định thị trường

Trong khi thị trường đang khan hiếm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, vài ngày trở lại đây, thị trường đã xuất hiện tình trạng thu gom mặt hàng này để vận chuyển trái phép ra nước ngoài tiêu thụ. Liên tiếp những ngày qua, các lực lượng chức năng dồn sức kiểm tra, phát hiện nhiều bưu kiện, xe hàng chứa hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ, giấy phép hợp lệ đang chuẩn bị được vận chuyển qua biên giới tiêu thụ. Việc xuất lậu những mặt hàng này vào thời điểm thị trường đang khan hiếm là hành vi khó chấp nhận, cần bị lên án và xử lý nghiêm khắc. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan quản lý nhà nước cùng lực lượng chức năng ráo riết vào cuộc, xử lý mạnh tay với mọi trường hợp cố tình vi phạm hay trục lợi từ dịch bệnh do nCoV gây ra, từ việc tàng trữ, thu gom và tăng giá bán bất hợp lý đến chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước rửa tay, thuốc sát trùng,… ra nước ngoài, thông qua kênh kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử đều bị xử lý bằng cách rút giấy phép kinh doanh và xử phạt hành chính mà không cần thanh tra, kiểm tra.

Trong bốn ngày đầu tháng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (Bộ Công an) đã kiểm tra, đấu tranh, xử lý 26 vụ việc liên quan hành vi đầu cơ, nâng giá, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, nhất là khẩu trang. Qua đó, thu giữ hơn 422 nghìn khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng cho thấy, từ ngày 31-1 đến 8-2 vừa qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý gần 3.500 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn với các hành vi như không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm về nhãn, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ,… Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình trạng khan hiếm khẩu trang, dung dịch sát khuẩn vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước do người dân đổ xô đi mua và thu gom, tích trữ. Hiện tượng tăng giá, khan hiếm hàng xảy ra khá gay gắt ở thời điểm đầu khi công bố dịch, nhưng đến nay đã được kiểm soát nhờ lực lượng QLTT phối hợp tốt các đơn vị công an rà soát các điểm phân phối thuốc tân dược, siết chặt quản lý, phát giác vi phạm để xử lý kịp thời. Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cũng cảnh báo, gần đây xuất hiện tình trạng dung dịch rửa tay, nước sát khuẩn giả, khẩu trang kém chất lượng được rao bán công khai trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn thị trường và ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ người dùng. Vì vậy, lực lượng QLTT vẫn luôn đề cao cảnh giác, tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động sản xuất khẩu trang và các vật phẩm y tế để kịp thời xử lý nếu có sai phạm.

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Ðàm Thanh Thế cũng khẳng định, phải kiên quyết xử lý mạnh tay với các hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc sản xuất các mặt hàng vật tư y tế kém chất lượng để không ai được phép trục lợi khi cả nước đang tập trung cao độ phòng, chống dịch do nCoV gây ra. Lực lượng hải quan được chỉ đạo tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất, nhập khẩu ngay tại cửa khẩu, các lực lượng chức năng giám sát đường mòn, lối mở, khu vực biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không,… để ngăn chặn vận chuyển trái phép vật tư y tế. Ðối với thị trường trong nước, cần nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân và không gây nhiễu loạn thị trường. Ðồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng tìm nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất các mặt hàng chống dịch từ những thị trường khác hoặc chủ động nghiên cứu, tự sản xuất nguyên phụ liệu, khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay.

Người dân có thể mua khẩu trang tại một số địa điểm phân phối uy tín, giá cả hợp lý, rõ ràng như: Năm Trung tâm Bách hóa và siêu thị tổng hợp của Công ty TNHH Aeon Việt Nam; các cửa hàng bán lẻ của thương hiệu thời trang Canifa; hệ thống siêu thị Saigon Co.op; hệ thống siêu thị Big C và năm điểm bán hàng của Công ty Dệt kim Đông Xuân trên địa bàn TP Hà Nội ở các địa chỉ: 67 Ngô Thì Nhậm, 460 Minh Khai, 25 Bà Triệu, 57B Phan Chu Trinh và 221 Khâm Thiên.

(Nguồn: Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương)


Theo NDO

Các tin khác


Huyện Cao Phong: Tổ chức 23 buổi tuyên truyền, giải đáp về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội

(HBĐT) - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, năm 2019 và tháng 1 năm nay, Công an huyện Cao Phong đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể cân tham gia.

Hội Người cao tuổi tỉnh ký giao ước thi đua năm 2020

(HBĐT) - Ngày 7/2, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh đã tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua năm 2020; Lễ mừng thọ đầu xuân và phản ánh công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. 

Người dân Hòa Bình chung tay giải cứu dưa hấu do ảnh hưởng của dịch vi rút Corona

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch vi rút Corona, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng nông sản có nguy cơ đổ bỏ do không tìm được đầu ra, đặc biệt là dưa hấu. Thấu hiểu và sẻ chia cùng những khó khăn của nông dân, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đứng ra nhập dưa của bà con và lập thành những điểm bán hàng mang tên "Chung tay giải cứu dưa hấu Gia Lai” được nhiều người ủng hộ, hưởng ứng.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết 

(HBĐT) - Sau 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc. Các năm trước, sau kỳ nghỉ Tết, đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ chưa thực sự chuyên tâm vào công việc, còn tư tưởng "khai xuân”, chưa hết giờ hành chính phòng làm việc đã cửa đóng then cài, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc.

Huyện Lương Sơn dành nguồn lực thực hiện tiêu chí môi trường

(HBĐT) - Môi trường là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, với mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT) ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tuy nhiên, đây là một tiêu chí khó thực hiện với hầu hết các xã trên địa bàn huyện Lương Sơn. Với quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM năm 2019, trong thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường đạt được những kết quả tích cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục