Một nhóm thiện nguyện do các thợ may "bất đắc dĩ” U70 tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã may hàng chục nghìn chiếc khẩu trang vải phát tặng miễn phí cho bà con khó khăn vượt qua mùa dịch bệnh Covid-19.

Quang cảnh nơi may khẩu trang của "đội may” U70.

Những thợ may bất đắc dĩ

Tháng 3, trời nóng như đổ lửa. Trong mái hiên tạm bợ của ngôi chùa An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang lúc nào cũng vang lên tiếng máy may lạch cạch. Tiếng cười nói rôm rả của một nhóm phụ nữ trạc tuổi lục tuần, thất tuần xúm xít nhau vẽ vẽ, cắt cắt để may khẩu trang vải. Hỏi ra mới biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng cao nhưng nhiều người dân không mua được để sử dụng. Nhiều nơi còn găm hàng, đẩy giá khiến chiếc khẩu trang y tế trở thành món hàng xa xỉ với một bộ phận người nghèo khó. "Bởi vậy mấy chị em tui bàn nhau may khẩu trang vải phát tặng miễn phí cho người dân nghèo và các cơ sở y tế”, bà Nguyễn Thị Ni, "thợ may” 76 tuổi, cũng là người khởi xướng việc may khẩu trang của nhóm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ni, "thợ may” bất đắc dĩ 76 tuổi, đang cặm cụi cắt khẩu trang.

Đang cắt dở một chiếc thì có tiếng chuông điện thoại reo, bà buông vội kéo, thước xuống bàn rồi nghe máy. Vừa tắt điện thoại, bà đầu tóc bạc phơ nhoẻn miệng cười tươi thông báo: "Hôm nay Bệnh viện Châu Đốc xin 300 khẩu trang nghen chị em”.

Bà Nguyễn Thị Ni cho biết, nhà ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân. Thấy bà con đi mua khẩu trang y tế quá khó khăn hoặc bị đẩy giá bán "trên trời” nên người dân nghèo khó không có khẩu trang sử dụng bảo vệ sức khỏe bản thân. Thấy vậy, Bà Ni rủ vài chị em cùng xóm tới An Hòa Tự may khẩu trang để cấp phát cho những người cần sử dụng trong đợt dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp này.

"Ở xứ cù lao này, bà con làm nông là chủ yếu nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu được mùa thì có tiền, lỡ thất bát thì "trắng tay”. Thành ra, họ lo cơm ngày hai bữa cũng vất vả lắm rồi. Từ khi dịch bệnh phát lên, khẩu trang rất hiếm, người nghèo không mua được, mà không có khẩu trang đi ra đường, tới chỗ đông người nguy hiểm lắm”, bà Ni bộc bạch.

Vừa thoăn thoắt chân đạp máy may, bà Lương Mẫu Đơn, 60 tuổi, giáo viên về hưu, ngụ thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tâm sự: "Cái bệnh này rất có hại cho dân mình. Nghe trên đài nói chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa bệnh. Việc đeo khẩu trang cũng là một trong những cách cần thiết phòng dịch bệnh lây lan nên chị em tui mới trở thành thợ may… bất đắc dĩ để giúp bà con”.

Bà Lương Mẫu Đơn phụ trách khâu may.

Khi mới nhen nhóm, đội may của bà Ni chỉ có khoảng năm đến sáu người, nhưng hiện nay đã tăng lên 17 người và họ đều từ U70 trở lên. Mỗi ngày, cứ đúng bảy giờ sáng là các bà, các cô có mặt tại An Hòa Tự để tập trung may khẩu trang đến tận tối mịt mới về nhà.

Mặc dù hoàn cảnh cũng không dư dả nhưng những thành viên trong nhóm thiện nguyện U70 vẫn góp một số tiền để làm kinh phí mua vải, dây thun, chỉ… dùng may khẩu trang. Lúc đầu, nhóm chỉ may với số lượng ít khoảng vài chục chiếc để cho bà con quanh xóm. Tiếng lành đồn xa, số người xin khẩu trang ngày một nhiều hơn: từ trường học, công nhân các xí nghiệp, phòng thuốc nam, những bệnh viện lân cận cũng đến xin khẩu trang.

Thấy được việc làm ý nghĩa, những nhà hảo tâm bắt đầu ủng hộ vải, tiền mua kim chỉ,… "Thậm chí, có người còn cho mượn thêm máy may, máy vắt sổ để đội may làm. Vải người ta cho nhiều lắm, rồi mình đem về phân loại ra cái nào phù hợp may khẩu trang thì chọn. Tùy theo vải, mình may làm sao để người ta sử dụng được bảo đảm an toàn. Thí dụ, loại dày có ép xốp thì chỉ cần may một lớp là đủ, loại mỏng hơn thì may hai, ba lớp”, bà Ni phấn khởi nói.

Nhìn nét phấn thuần thục, tay kéo chuyên nghiệp hay các đường may nhanh thoăn thoắt thì khó có thể tin nổi, đội may U70 đa số là những người thợ tay ngang. Xuất phát điểm của các bà, các cô mỗi người mỗi nghề khác nhau. Có người là cô giáo về hưu, người thì quanh năm đồng ruộng, kẻ thì buôn bán,… và công việc may vá hầu như chỉ dừng lại ở chuyện nữ công gia chánh trong gia đình.

"Trong nhóm này thì cũng có một người từng là thợ may, còn những chị em khác là tay ngang. Tới đây may khẩu trang thì tụi tôi chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với nhau chứ có học may ngày nào đâu”, bà Ni chia sẻ.

Chung tấm lòng nhân ái

Thợ may duy nhất của đội là bà Võ Thị Năm, 67 tuổi, cũng là người "trẻ” nhất trong nhóm thiện nguyện này. Trải tấm vải to tướng trên bàn, người phụ nữ sống ở quận 2, TP Hồ Chí Minh này nhiều ngày qua luôn cặm cụi đặt khuôn vẽ khẩu trang để các cô, các bác trong nhóm cắt. Bà Năm bộc bạch: "Tình cờ thấy người bạn quê ở huyện Phú Tân này chia sẻ việc may khẩu trang tặng người nghèo, tôi thấy ý nghĩa rất thiết thực. Làm từ thiện thì ở đâu cũng tốt cả, mà bản thân mình cũng có kỹ năng may nữa nên tôi đã bắt xe xuống đây để tham gia cùng các chị em”.

Vốn là thợ may với bề dày kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề may quần áo, ga nệm, áo gối cho các khách sạn, nhưng do lớn tuổi nên từ lâu bà Năm đã gác lại công việc may vá của mình. Theo bà Năm, để có được một chiếc khẩu trang hoàn chỉnh đến tay người nhận phải trải qua sáu bước. Đầu tiên là vẽ mẫu, cắt, rồi đưa vào máy may, tiếp đến là vắt sổ, vô dây thun, khâu cuối cùng là giặt sạch và phơi khô dưới nắng.

Bà Võ Thị Năm ngày đêm miệt mài vẽ mẫu khẩu trang để các thành viên trong đội cắt, may nhanh hơn.

"Do các cô, bác ở đây là tay ngang nên chưa có kinh nghiệm, cắt từng chiếc khẩu trang mất khá nhiều thời gian nên tôi đã có ý kiến là làm khuôn trên bìa giấy cứng. Dùng khuôn này vẽ mẫu lên vải để mọi người cắt cho nhanh, mà sản phẩm may ra cũng được chính xác, đồng loạt”, bà Năm chia sẻ.

Ban ngày thì làm chung với nhóm. Tối đến người phụ nữ này lại gom vải về nhà để vẽ mẫu. Do lớn tuổi, không ngủ được nhiều nên khoảng trời chưa sáng là bà Năm đã dậy và tiếp tục làm việc. Không chỉ vậy, bà còn vẽ đủ kích cỡ khẩu trang để phù hợp với các đối tượng sử dụng từ trẻ em, thanh thiếu niên, cho đến người lớn tuổi. Cứ như vậy, mỗi ngày đội may có thể sản xuất ra trung bình từ 200 – 300 chiếc.

Khẩu trang may xong được giặt sạch phơi khô.

Để bảo đảm những chiếc khẩu trang sạch sẽ, thơm tho đến tay người nhận có thể tránh được bụi bẩn, vi khuẩn. Giữa trưa nắng rát da của tháng 3 miệt vườn phương nam, vài người trong nhóm vẫn ngồi giặt những chiếc khẩu trang "mới ra lò”. Người thì xả luôn tay cho sạch xà phòng rồi căng dây làm sào phơi đến khô mới được coi là hoàn thiện quy trình "sản xuất” một chiếc khẩu trang.

Từ những người không quen biết nhưng cùng chung tấm lòng nhân ái; các bà, các cô đã tự nguyện gắn bó, làm việc vui vẻ với nhau hàng tháng ròng. Dù tuổi đã cao thế nhưng các thành viên trong nhóm thiện nguyện U70 cho biết, mọi người vẫn sẽ ngày ngày may khẩu trang để giúp đỡ bà con cho đến khi hết dịch bệnh thì thôi.

TheoNhanDan


 

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục