(HBĐT) - Từ vùng đất nghèo, những năm qua, trên quê hương chiến khu cách mạng Thạch Yên (Cao Phong) đã xanh mướt sắc ấm no của những đồi cam, vườn mía. Thành quả của công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngày hôm nay sẽ khó đạt được, nếu không có sự đồng hành của nguồn vốn vay chính sách.
Từ nguồn vốn chính sách, gia đình ông Bùi Văn Út, xóm Đai, xã Thạch Yên (Cao Phong) đầu tư trồng mía, trồng rừng, nuôi trâu sinh sản, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Chiến khu cách mạng Thạch Yên xưa được bà con hai xã Yên Lập, Yên Thượng (cũ) thống nhất lấy là tên gọi của xã mới, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Sau sáp nhập, xã Thạch Yên có hơn 40 km2 diện tích tự nhiên, dân số gần 4,7 nghìn người, phân bố ở 12 xóm. Vốn là hai xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Cao Phong, bà con người Mường nơi đây đã có nhiều nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Không còn là vùng đất xa xôi, gian khó như trước đây, nay đường về xã Thạch Yên được rải nhựa thênh thang, những vạt đồi rừng hoang vu đã phủ trong sắc xanh ngút ngàn của cam, mía. Cái nghèo đang từng bước bị đẩy lùi ở vùng đất khó.
"Trước đây, bà con gặp rất nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, muốn trồng mía, trồng cam, hay chăn nuôi trâu, bò cũng không làm được vì thiếu vốn. Những năm trở lại đây, từ vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu”- đồng chí Bùi Văn Nguyên, cán bộ chuyên trách Ban giảm nghèo xã Thạch Yên chia sẻ. Theo thống kê của UBND xã, hiện, tổng dư nợ chính sách của xã đạt gần 40,5 tỷ đồng, với 983 hộ vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân nhận ủy thác hơn 11,6 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 10,2 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên xã hơn 10 tỷ đồng, Hội Phụ nữ 8,5 tỷ đồng. Các hộ vay vốn đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, tập trung đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt (trồng cam, mía, trồng rừng), chăn nuôi trâu, bò. Nhờ vốn chính sách mà bà con đã từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2016, gia đình ông Bùi Văn Tường, xóm Đảy vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn của NHCSXH. Từ số tiền này, gia đình ông Tường đầu tư trồng mía trắng ép nước, sau này, phát triển thêm trồng cam. Mấy năm trở lại đây, gia đình ông Tường có nguồn thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm. Hay như gia đình ông Bùi Văn An, xóm Thôi cũng được vay số vốn tương tự, hiện đang đầu tư phát triển trồng mía ép nước, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trong các chương trình cho vay, vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo có tổng dư nợ lớn nhất ở xã. Vốn chính sách thực sự đã trở thành động lực xóa nghèo của bà con. Gia đình ông Bùi Văn Út, xóm Đai trước đây thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù có gần 1 ha đất đồi, đất vườn, nhưng phải đến khi được vay vốn của NHCSXH, ông Út và gia đình mới có điều kiện đầu tư trồng mía trắng ép nước, trồng rừng. Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ trồng mía, gia đình ông Út mua thêm 2 con trâu sinh sản. Nhờ đầu tư đúng, cùng với sự cần cù, chịu khó, kinh tế của gia đình ông Út từng bước ổn định. Hiện nay, gia đình ông đã vươn lên diện hộ cận nghèo, đang có những bước tiến thiết thực để thoát nghèo. "Với những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo như chúng tôi, vốn vay ưu đãi của NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng. Nhờ vốn vay của ngân hàng gia đình đã có điều kiện để trồng mía, mua trâu giống về nuôi, kinh tế ngày một bớt đi khó khăn. Chúng tôi cũng mong muốn được nâng mức cho vay, để tiếp tục đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi” - ông Út bày tỏ.
Đó cũng là mong mỏi của nhiều hộ dân ở xã vùng cao Thạch Yên. Bà con chia sẻ, nếu được nâng mức cho vay họ sẽ có nhiều điều kiện để đầu tư lớn hơn, đem hiệu quả kinh tế cao hơn. Vùng đất nghèo, quê hương của chiến khu cách mạng Thạch Yên đang đổi thay từng ngày, với sự đồng hành của vốn chính sách.
Viết Đào
(HBĐT) - Tại xã Bắc Phong (Cao Phong), Đoàn Thanh niên trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội vừa phối hợp với UBND xã Bắc Phong, CLB thiện nguyện Cao Phong trao 151 suất quà cho các gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
(HBĐT) - Tính đến 16h, ngày 13/5, tổng số tiền và hàng hóa ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 toàn tỉnh thông qua Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện trên 8,3 tỷ đồng (3,96 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 4,37 tỷ đồng).
(HBĐT) - Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành phố vừa tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho hội viên phụ nữ và người dân tại xã Đồng Chum (Đà Bắc).
(HBĐT)- Nhằm chung tay hỗ trợ người dân và thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Huyện Đoàn Tân Lạc, Đoàn thanh niên xã Vân Sơn vừa tổ chức chương trình "Cùng nhau san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch”.
(HBĐT) - Huyện vùng cao Đà Bắc vừa hoàn thành việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP đối với 4 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Riêng nhóm đối tượng người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tiến độ rà soát, tổng hợp đang được đẩy nhanh. Những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện ở cơ sở được kịp thời tháo gỡ.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, hàng nghìn lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sâu. Kết nối lại cung cầu lao động, việc làm là việc tỉnh đang triển khai hết sức quyết liệt.