(HBĐT) -Nánh Nghê là xã mới sáp nhập từ 2 xã Đồng Nghê và Suối Nánh. Đây không chỉ là địa bàn xa nhất, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, mà nói tới vùng đất này, hẳn nhiều người nhớ đến sự tàn khốc của thiên tai gây ra những năm trước. Đến nay, xã vẫn nằm trong vùng nguy cơ thiên tai rất cao, nhất là với loại hình sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét.
Đợt mưa lũ cuối năm 2017 gây ra lũ quét kinh hoàng, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều khu vực, cướp đi con người cùng nhà cửa, hoa màu, vật nuôi, các công trình giao thông, thủy lợi, trường học trên địa bàn xã. Năm 2018, mưa bão tiếp tục gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất, đời sống của người dân cũng như một số hạng mục cơ sở hạ tầng. Năm 2019, tuy thiệt hại do thiên tai gây ra được xem là nhẹ hơn so với những năm trước, nhưng thật xót xa trước tình trạng đá lở, lăn xuống nhà dân đã phá hỏng nhà cửa, cướp đi sinh mạng của bé gái trú tại xóm Duốc.
Trước sự tàn khốc của thiên tai, ngay sau trận lũ ống, lũ quét tháng 10/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo, cấp bách xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho người dân huyện Đà Bắc, trong đó, riêng xã Nánh Nghê có 2 khu là Bưa Cốc và xóm Nghê. Các khu TĐC đã mang đến nơi ở ổn định, bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất. Sau 2 năm chuyển về nơi ở mới, gia đình bà Lý Thị Chung - khu TĐC xóm Nghê không còn cảnh nơm nớp lo âu mỗi khi xảy ra mưa, lũ. Bà Chung chia sẻ: Trước đây, gia đình ở xóm Đăm. Sau đợt mưa lũ lịch sử, xóm bị sạt lở nghiêm trọng. 7 hộ mất hết nhà cửa, tài sản do lũ cuốn, đất, đá vùi lấp. Từ khi chuyển về khu TĐC, chúng tôi phấn khởi lắm. Mỗi hộ được phân 400 m2, không chỉ dựng nhà, các gia đình còn có đất trồng rau, chăn nuôi. Tạm thời, người dân vẫn về lại ruộng, nương cũ để sản xuất, đảm bảo lương thực tại chỗ.
Khu TĐC xóm Nghê có tổng diện tích 7 ha, đã đón 83 hộ, trong đó 30 hộ chuyển xuống từ xóm Đăm. Khu đã được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ như đường giao thông, điện, nước sạch, chi trường mầm non. Xã cũng quan tâm hỗ trợ bà con qua các mô hình sản xuất, tạo sinh kế bền vững.
Cũng như ở xóm Nghê, khu TĐC Bưa Cốc là nơi an cư của 61 hộ bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nơi đây được xây dựng khá đầy đủ các hạng mục: đường nội bộ, hệ thống thoát nước, nước sinh hoạt, điện, trường học… Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và nội lực của mỗi gia đình, hiện tại, các hộ đã xây dựng nhà ở vững chắc, quy củ theo quy hoạch. Huyện, xã tích cực phối hợp với các sở, ngành xây dựng các phương án hỗ trợ bà con, giúp ổn định cuộc sống lâu dài tại nơi ở mới.
Đồng chí Bùi Văn Huệ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Mặc dù đã có nhiều cố gắng giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, song, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều khu vực nguy cơ sạt lở cao, nhất là sạt lở, đá lăn ở các tuyến đường, đe dọa cuộc sống, sản xuất của người dân. Hiện, xã có trên 70 hộ trong vùng nguy hiểm cần được di chuyển trước mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN phân công thành viên thường xuyên bám sát cơ sở, rà soát các khu vực nguy hiểm, tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, phòng ngừa lũ ống, lũ quét, trượt sạt khi thời tiết có dấu hiệu bất thường. Công tác cảnh báo, phòng chống thiên tai tại các xóm, cũng như khu TĐC được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; cắm biển cảnh báo ở những khu vực, tuyến đường có nguy cơ sạt lở.
Xã Nánh Nghê đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai năm 2020. Một trong những phương án được ưu tiên hàng đầu là tổ chức sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn; tập trung triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp…
Hoàng Nga