Sáng 25-5, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

 

Đề nghị làm rõ hơn về chi phí hòa giải, mở rộng đối tượng hòa giải viên

Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về chi phí hòa giải và mở rộng đối tượng được bổ nhiệm Hòa giải viên nhằm thu hút đông đảo lực lượng hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này góp phần giảm tải áp lực cho ngành tòa án.

 

Làm rõ hơn các quy định về chi phí hòa giải

Về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy có nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với ba trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo Luật thì chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm sẽ bao gồm rất nhiều khoản. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn khoản nào sẽ do ngân sách nhà nước chi trả vì chi phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm rất nhiều khoản như phụ cấp cho hòa giải viên, chi phí in ấn tài liệu và các chi phí phát sinh trong quá trình hòa giải, đối thoại. Việc quy định chung như trong dự thảo Luật, ngân sách nhà nước hằng năm sẽ phải "gánh” thêm một khoản "khá nhiều”. Nếu quy định cụ thể hơn khoản chi phí nào do ngân sách nhà nước chi trả, khoản chi phí nào do các đương sự yêu cầu hòa giải, đối thoại chi trả sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời khiến các bên tranh chấp có trách nhiệm hơn trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng ngày 25-5. Ảnh: Quochoi.vn

Mở rộng đối tượng, tăng thời gian nhiệm kỳ hòa giải viên

Về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, nên mở rộng đối tượng được bổ nhiệm, như nhóm đối tượng như trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành luật đã nghỉ hưu, nhằm thu hút đông đảo lực lượng hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này góp phần giảm tải áp lực cho ngành tòa án.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng cho rằng, nên cân nhắc mở rộng đối tượng là luật sư không nhất thiết phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, vì họ đã được đào tạo bài bản, đã được cọ xát trong quá tình tham gia tố tụng, tranh tụng trên nhiều lĩnh vực. Lý do là từ kinh nghiệm trong công tác thu hút cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 kể từ khi có hiệu lực pháp luật đến nay việc thu hút cộng tác viên trợ giúp pháp lý rất khó khăn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do bị ràng buộc về điều kiện bổ nhiệm nên có rất ít đối tượng tham gia.

Do đó, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị dự thảo Luật điều chỉnh lại như sau: đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên trước khi nghỉ hưu, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ công chức, viên chức có chuyên ngành luật đã nghỉ hưu; chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm thành hòa giải viên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng yêu cầu hòa giải viên phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm đối với nhóm đối tượng luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác như trong dự thảo Luật là quá cao. Nếu yêu cầu cao như vậy sẽ rất khó để có một đội ngũ hòa giải viên đa dạng. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để có đội ngũ hòa giải viên chất lượng cao thì chỉ cần yêu cầu có 5 năm kinh nghiệm là đủ.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng quy định về nhiệm kỳ của hòa giải viên là ba năm như trong dự thảo Luật là quá ngắn, vì quy trình lựa chọn bổ nhiệm hòa giải viên được thực hiện khá kỹ lưỡng với tiêu chuẩn, yêu cầu khá cao. Cụ thể, việc lựa chọn được một hòa giải viên có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có kỹ năng hòa giải như trong dự thảo Luật quy định là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, quy trình bổ nhiệm hòa giải viên rất chặt chẽ, được xét từ cơ sở và cuối cùng có quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công nhận và công bố ở ba cấp tòa án. Do đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh nâng nhiệm kỳ của hòa giải viên lên thành 5 năm.



Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Ngày 22/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, do đồng chí Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Lương Sơn.

Tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại xã Nhân Nghĩa

(HBĐT) - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh vừa phối hợp với lực lượng QLTT, Sở Công Thương và các ngành chức năng huyện Lạc Sơn tổ chức hoạt động tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khu vực chợ Vó, xã Nhân Nghĩa.

Đại hội Công đoàn Công ty TNHH Thể thao Global lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 – 2025

(HBĐT) - Công ty TNHH Thể thao Global, Công đoàn cơ sở công ty vừa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với sự tham dự của 30 đại biểu đại diện cho 59 đoàn viên, công nhân lao động. 

Tặng 44 suất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Cao Phong

(HBĐT) - Ngày 21/5, Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Cao Phong, Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức thăm hỏi tặng quà hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, học sinh chi trường xóm Mừng, trường mầm non Xuân Phong, xã Hợp Phong (Cao Phong).

Nhiều vấn đề trong đơn phản ánh của người dân xã Hiền Lương không đúng sự thật

(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn phản ánh của người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) về một số vấn đề liên quan đến việc giải quyết cho cán bộ xã nghỉ không đúng quy trình; bầu cử đại biểu HĐND xã không minh bạch, kết quả bầu cử không chính xác và một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng ngân sách xã. Xung quanh những nội dung này, phóng viên Báo Hòa Bình đã làm việc với HĐND, UBND huyện Đà Bắc để làm rõ.

Huyện Kim Bôi tiếp sức để người nghèo tự vượt qua đói nghèo

(HBĐT) - Trong 5 năm (2016 - 2020), huyện Kim Bôi đã thực hiện đạt và vượt các mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập của hộ nghèo, đặc biệt là mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục