Công ty TNHH Toyota Hà Đông tư vấn, giới thiệu cơ hội việc làm cho người lao động tại trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Hòa Bình.
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện mục tiêu GNBV. Trong các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG GNBV, hạn chế tái nghèo, tăng thu nhập cho người dân, nhất là ở địa bàn nghèo, khu vực nông thôn, vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được coi trọng.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo. Dù điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy nghề còn hạn chế, nhưng trong những năm qua, các trường, trung tâm đã nỗ lực đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo để đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Theo kết quả khảo sát hàng năm cho thấy, tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp ở tỉnh ta hiện cao hơn mức bình quân chung của cả nước, ngược lại, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề cao còn ở mức khiêm tốn. Dẫu vậy, công tác đào tạo nghề vẫn được mở rộng theo hướng ngày càng đa dạng hóa các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của cơ sở SX-KD trong và ngoài tỉnh, cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, những năm gần đây, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo đa dạng ngành nghề. Trong đó, tập trung đào tạo trình độ cao đẳng trở xuống cho các ngành thuộc khối kinh tế, dịch vụ, kỹ thuật nông, lâm nghiệp, luật, văn phòng và công nghệ. Liên kết đào tạo ở trình độ đại học, cao học, hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tham gia giải quyết những vấn đề về phát triển KT - XH. Theo đó, trường đã tổ chức đào tạo cho các dự án Apheda (Úc), Giảm nghèo quốc gia (WB), JiCa (Nhật Bản), Helvetas (Thụy Sỹ) tại tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung. Đào tạo lưu sinh viên cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thạc sĩ Nguyễn Anh Tôn, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm nhà trường cung ứng hàng nghìn lao động có tay nghề cho tỉnh. Hiện, nhà trường đã liên kết đào tạo với hơn 15 trường đại học, học viện tốp đầu trong cả nước, liên kết thực hành thực tập với 12 doanh nghiệp, trung tâm, trạm, trại, cơ sở sản xuất và kết nối với hàng trăm doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Bởi vậy, hầu hết học sinh, sinh viên tốt nghiệp của trường đều có việc làm ổn định, mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/ người/tháng.
Chú trọng công tác đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động, trong giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho trên 16,3 nghìn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị giảm còn 2,6% (năm 2020), giảm 0,9% so với năm 2015. Khi người lao động có việc làm, thu nhập thì đó là nền tảng vững chắc cho lộ trình GNBV. Thực tế, trong 5 năm qua, lộ trình giảm nghèo ở tỉnh ta khá suôn sẻ: bình quân mỗi năm, tỉnh giảm được 3,16% hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015 còn 7,59% năm 2020. Đó là nền tảng, động lực để tỉnh tiếp tục lộ trình GNBV cho những năm tiếp theo.
Lam Nguyệt