(HBĐT) - Theo thống kê năm 2020, thu nhập bình quân của xóm Tuổng Bãi, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) chỉ đạt 10,5 triệu đồng/người. Trong khi mức thu nhập bình quân toàn xã đạt khoảng gần 20 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm hiện chiếm 80%, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền xã và người dân xóm Tuổng Bãi nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, con đường thoát nghèo của Tuổng Bãi vẫn còn nhiều chông chênh...
Với việc đầu tư các mô hình kinh tế manh mún, nhỏ lẻ, người dân xóm Tuổng Bãi, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) còn chông chênh trên con đường thoát nghèo.
Ông Bùi Văn Sao, Trưởng xóm Tuổng Bãi cho biết: Dù cách trung tâm xã chưa đầy 3 km, nhưng trong nhiều năm qua, xóm vẫn là địa bàn đặc biệt khó khăn của xã. Toàn xóm hiện có 58 hộ, 239 nhân khẩu. Vị trị địa lý không thuận lợi, địa hình đa phần là đồi núi bao quanh nên người dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất.
Theo thống kê, cả xóm có diện tích tự nhiên 427 ha, nhưng diện tích cấy lúa chỉ vỏn vẹn 3 ha, diện tích trồng ngô sắn gần 8 ha. Còn lại chủ yếu là diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà và rừng phòng hộ đầu nguồn, núi đá cao, độ dốc lớn, hầu như không thể canh tác, sản xuất. "Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, bất lợi, người dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, tập trung chủ yếu vào phát triển chăn nuôi. Tổng đàn gia súc của xóm gồm trâu, bò, dê duy trì khoảng 1.000 con. Ngoài ra, người dân mở rộng, phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế đem lại không cao” - ông Bùi Văn Sao cho biết thêm. Với sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện, tính đến nay, toàn xóm có 51 lồng cá. Tuy nhiên, do không có sự đầu tư bài bản, nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung; lại là địa bàn khó khăn về giao thông nên đầu ra bấp bênh, không ổn định. Anh Bùi Văn Bằng, xóm Tuổng Bãi chia sẻ: Không có đất canh tác, chăn nuôi bấp bênh do dịch bệnh và vướng về khâu tiêu thụ. Do vậy, người dân chỉ tập trung với nghề đánh bắt thủy sản để cung cấp cho nhu cầu Nhân dân trong xã. Ngày nhiều bù ngày ít, bình quân mỗi ngày gia đình có nguồn thu từ 100 - 150 nghìn đồng. Nhà có 4 nhân khẩu cũng chỉ biết phụ thuộc vào con tôm, con cá và chăn nuôi gà, vịt để trang trải thêm cho cuộc sống.
Đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, xã Mường Chiềng hiện nay được sáp nhập từ các xã Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, đều là những xã vùng sâu, xa, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Đặc biệt thường xuyên chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của thiên tai, mưa lũ. Do vậy, nhìn chung đời sống người dân trong xã còn rất nhiều khó khăn.
Xuất phát từ điều kiện thực tế, không chỉ ở Tuổng Bãi mà nhiều xóm của xã điều kiện KT-XH cũng hết sức khó khăn, có những xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao. "Với mục tiêu tập trung nâng cao đời sống người dân, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục dành sự quan tâm đến người dân ở những xóm có điều kiện KT-XH khó khăn, trong đó có xóm Tuổng Bãi. Theo đó, ưu tiên bố trí sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa các mô hình phù hợp để tận dụng tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế. Tuyên truyền, vận động Nhân dân áp dụng KHKT vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... tạo điều kiện giúp người dân nâng cao thu nhập, đời sống, để con đường thoát nghèo của Tuổng Bãi bớt chông chênh...” - đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Mạnh Cường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)
(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ tỉnh và Thông điệp của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ngày 28/10, BTV LĐLĐ tỉnh tổ chức phát động trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong toàn tỉnh tham gia đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, bão lũ.
(HBĐT) - Trong điều kiện không có "ngành dọc” ở các huyện, thành phố, lực lượng phóng viên vỏn vẹn hơn 20 người, không đủ sức "phủ sóng” khắp địa bàn thì cộng tác viên (CTV) thực sự được biết đến là "cánh tay nối dài” của Tòa soạn. Viết bằng đam mê, nhiệt huyết và cả những nỗi niềm trăn trở từ những điều được nghe, được biết, được thấy, các anh chị em CTV đã phản ánh kịp thời thực tế sinh động ở cơ sở, góp phần làm cho Báo Hòa Bình thêm hấp dẫn, đầy đặn thông tin hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
(HBĐT) - Sáng 29/10, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, nhãn hàng Lock&Lock Việt Nam phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức trao quà cho các hộ chính sách, hộ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Bắc Phong (Cao Phong). Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch "Hãy đi cùng nhau - Let’s go together” của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và nhãn hàng Lock&Lock Việt Nam tổ chức trên địa bàn 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 16 km, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) có 5 xóm, 649 hộ, 3.004 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, đời sống còn nhiều khó khăn. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống người dân, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm trên 40% trong nhiều năm qua.
(HBĐT) - Số lượng tiếp nhận đối tượng khuyết tật thần kinh đặc biệt nặng có xu hướng ngày càng tăng, nhiều đối tượng phải nuôi giữ tập trung; trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng của đối tượng bảo trợ thực hiện theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP đến nay không còn phù hợp, do giá cả thị trường tăng cao… Đó là những khó khăn đã, đang đặt ra trong hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.