(HBĐT) - Tại Lễ phát động Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021 và Ngày hội Thanh niên Khởi nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này, điều đó thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội đối với khởi nghiệp, mà cụ thể là huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động Đoàn, Hội, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn, tiên phong trong phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Anh Trần Trung Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn)
là 1 trong 56 thanh niên toàn quốc được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020
vì có đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.
Trở về sau lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020 do T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Anh Trần Trung Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) vẫn chưa hết xúc động khi là 1 trong 56 thanh niên được nhận giải thưởng vì có đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và anh là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, với những thành tích xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh (SX-KD), phát triển KT-XH, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Anh chia sẻ: "Theo tôi, yêu nước là yêu những sản phẩm nông nghiệp quê hương mình. Vì vậy, những ngày đầu khởi nghiệp, tôi luôn cố gắng, nỗ lực để sản phẩm nông nghiệp trên mảnh đất quê hương mình có thể sản xuất với quy mô công nghiệp, sạch, an toàn và có chỗ đứng bền vững trên thị trường, hơn nữa là có thể vươn ra thế giới”.
Khởi nghiệp với mô hình trồng chuối tiêu hồng từ năm 2016 với 1ha đất, chàng trai sinh năm 1991 lựa chọn phương pháp trồng chuối nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn VietGAP; chuối chín tự nhiên bởi khí ethylene sinh học và được dấm theo tiêu chuẩn, công nghệ cao nhập khẩu từ Mỹ, được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận VSATTP. Đến nay, diện tích chuối của HTX đã mở rộng lên đến 20 ha. Trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 1 nghìn tấn quả, đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm. Thương hiệu chuối Viba đã được đăng ký bản quyền và có tem truy xuất nguồn gốc. Đã có trên 1.000 đối tác ký hợp đồng tiêu thụ với HTX, trong đó có những đối tác lớn như: Hệ thống siêu thị Vinmart, BigC và cả Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airline... Không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, HTX Chuối Viba còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Với tinh thần khởi nghiệp không ngừng nghỉ, anh Đức dự định thời gian tới sẽ mở thêm nhà máy chế biến phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sau chế biến, từng bước biến ước mơ đưa nông sản quê hương vươn ra thế giới thành hiện thực. Thành công của chàng trai trẻ đã truyền cảm hứng và lan tỏa tới nhiều lớp thanh niên trong và ngoài tỉnh, cũng vì thế anh trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015-2020.
Anh Bùi Văn Trình, Bí thư Chi đoàn xóm Nam Thái, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) là điển hình trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế của xã, huyện, được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng kỷ niệm chương và chứng nhận Nghệ nhân.
Anh Bùi Văn Trình, Bí thư Chi đoàn xóm Nam Thái, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) được nhiều cán bộ, ĐVTN trong huyện yêu quý, nể phục, không chỉ vì sự tích cực, gương mẫu, năng nổ trong công tác Đoàn mà còn bởi ý chí, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Vốn rất đam mê các loại lan rừng từ khi còn là học sinh, anh Trình dành nhiều công sức, tâm huyết tìm hiểu và sưu tầm những giống hoa đẹp để trưng trong vườn nhà. Năm 2012, sau một thời gian tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây, anh quyết tâm biến đam mê ấy thành cơ hội khởi nghiệp. Anh tận dụng tất cả thời gian rảnh để làm tích vốn, vay mượn đầu tư kinh doanh. Để kết nối được nhiều khách hàng, giao lưu với nhiều người cùng đam mê, anh mang lan đi giao lưu tại các diễn đàn hoa tổ chức ở Nam Định, Sơn La, Hòa Bình và một số khu vực lân cận. Bên cạnh đó, anh tận dụng tối đa mạng xã hội Facebook và kênh Youtube để quảng bá sản phẩm. Từ vài chục triệu đồng tiền vốn, sau 3 năm, vườn lan của anh đã có giá trị khoảng 500 triệu đồng. Đến nay, con số ấy có lẽ cũng tăng lên gấp 2-3 lần. Vườn lan Trình Bùi hiện có tới hàng trăm giò Phi Điệp với nhiều chủng loại và giá trị như: Ám phân thùy, tím cánh bầu, 5 cánh trắng, phấn hồng, trắng tinh… Không chỉ biến đam mê thành cơ hội khởi nghiệp cho mình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với mức lương ổn định. Thành công từ sự đam mê, năm 2017, anh được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng kỷ niệm chương và chứng nhận Nghệ nhân; năm 2019 anh được nhận Giấy khen thanh niên làm kinh tế giỏi nhiệm kỳ 2014-2019 của Huyện Đoàn Yên Thủy.
Hiện, toàn tỉnh có gần 240.000 thanh niên (16-30 tuổi) chiếm 29,7% dân số của tỉnh, trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm trên 70%. Đây chính là nguồn lực to lớn thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, tổ chức Đoàn - Hội đã tích cực chỉ đạo, định hướng việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Đoàn - Hội gắn với mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời giải quyết những nhu cầu, lợi ích thiết thực của ĐVTN, đặc biệt là nghề nghiệp, việc làm thông qua các hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong tỉnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực. Hàng năm, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình”. Qua 2 mùa thi 2018, 2019, cuộc thi đã khẳng định vị thế và là địa chỉ uy tín, sân chơi cho ĐVTN, sinh viên đam mê khởi nghiệp, lập nghiệp được thể hiện, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để cùng phát triển và hoàn thiện mình. Mạng lưới khởi nghiệp từ tỉnh đến cơ sở cũng được hình thành, nổi bật là việc thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp tỉnh gồm các chủ dự án đã tham dự cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của tỉnh; CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi tỉnh Hòa Bình, gồm tập hợp các gương thanh niên điển hình đã được nhận giải thưởng Lương Định Của trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp; thành lập các CLB khởi nghiệp cấp huyện, các CLB, nhóm thanh niên làm kinh tế cấp xã...
Đánh giá về phong trào thanh niên khởi nghiệp ở tỉnh ta, đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, kinh tế tỉnh ta cũng từng bước phát triển, trong đó có một số dự án của các bạn trẻ đã được thực hiện thành công, hình thành nên các doanh nghiệp trẻ, các HTX, tổ hợp tác, các mô hình kinh tế tiêu biểu trong thanh niên. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ là thanh niên DTTS, mặc dù hành trình khởi nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực, đã vượt lên để làm giàu chính đáng. Bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước, với tinh thần mạnh dạn khởi nghiệp, mạnh dạn làm giàu, tuổi trẻ Hòa Bình đang ngày càng quyết tâm vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế quê hương, đất nước. Từ năm 2011-2020, trên 11.000 dự án của thanh niên được vay với tổng số vốn gần 299 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 680 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 400 mô hình thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn ĐVTN.
Những tấm gương thanh niên trẻ tiêu biểu vươn lên làm giàu trong thời gian qua có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích, cổ vũ thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Qua đó khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thu Hằng
(HBĐT) - Đó là câu chuyện ở những địa bàn từng là xã vùng đặc biệt khó khăn. Với động lực tiếp sức của chính sách dân tộc, đời sống KT-XH ở các xã đã có bước phát triển và đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, nhiều xã đã ra khỏi vùng 135. Hàng chục xã nghèo tự tin bứt phá về đích, trở thành xã điểm nông thôn mới (NTM).
(HBĐT) - Khi những cánh đào khoe sắc thắm là lúc không khí xuân ngập tràn trong từng ngôi nhà, con đường, ngõ xóm, mang theo niềm hân hoan, hy vọng về một năm mới thêm niềm vui mới. Đối với những hộ nghèo trên địa bàn huyện Kim Bôi vừa được hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết”, niềm hân hoan, hy vọng ấy như được nhân lên, bởi xuân này, họ sẽ được đón Tết trong ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình.
(HBĐT) - Đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng của đất trời, mọi người đều sum vầy bên gia đình, đi vui xuân trên khắp các ngả đường, cùng ngắm pháo hoa rực rỡ, trao cho nhau những lời chúc ngọt ngào nhất. Khoảnh khắc ấy, còn đó những công nhân vệ sinh môi trường lặng lẽ làm việc suốt đêm, giữ đường phố sạch đẹp chào đón năm mới an vui.