(HBĐT) - Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2021 đến nay, việc tiêu thụ mía trắng ép nước gặp rất nhiều khó khăn. Sau vụ mía năm ngoái, đây là vụ mía tiếp theo mà người nông dân lại thở dài, khi giá mía giảm xuống sâu nhất chỉ từ 1 - 2 nghìn đồng/cây mía.


Khoảng 3 - 4 ngày trở lại đây, việc tiêu thụ mía trắng ép nước đã thuận lợi hơn nhưng giá mía vẫn khá rẻ, chỉ từ 1 - 2 nghìn đồng/cây. Ảnh chụp tại chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong).

Nằm trên quốc lộ 6, từ lâu chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong) đã trở thành một trong những điểm tiêu thụ nông sản của người dân, trong đó có cây mía trắng ép nước. Những năm trước đây, mỗi khi vào hè, chợ Bảm nhộn nhịp cảnh mua bán mía trắng ép nước, với hàng chục xe tải xếp hàng. Thế nhưng, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, hình ảnh ở chợ Bảm thật vắng vẻ, dù vẫn có những sạp mía được bày bán nhưng không có khách đến thu mua. Theo chia sẻ của người dân địa phương, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá mía đã chạm đáy, việc tiêu thụ mía trắng ép nước khó khăn.

Chúng tôi đến xóm Nhõi Trong, xóm duy trì trồng mía trắng ép nước lâu năm của xã Hợp Phong (Cao Phong). Từ hơn chục năm trở lại đây, người dân chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi sang trồng mía trắng ép nước, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ trồng mía trong xóm. Thế nhưng, 2 vụ mía trở lại đây, cây mía chỉ đem lại cho người nông dân những cái thở dài.

Nhiều năm qua, gia đình ông Bùi Xuân Đúng duy trì trồng trên 5.000 m2 mía trắng ép nước. Ông Đúng cho biết, trồng mía đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên với giá bán từ 4 nghìn đồng/cây mới có lãi. Có những năm, đầu ra thuận lợi, giá mía ổn định từ 4 - 5 nghìn đồng/cây, thậm chí 6 nghìn đồng/cây đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác. Tuy nhiên, 2 vụ mía trở lại đây, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá mía tụt thê thảm. Như năm ngoái, mía chỉ bán được giá bình quân 3.000 đồng/cây, người trồng mía không có lãi. Còn năm nay, giá mía xuống thấp nhất. "Xóm chúng tôi duy trì trồng mía từ nhiều năm nay, ngoài vườn đồi, bà con chuyển đổi hết diện tích đất lúa một vụ sang trồng mía, nhưng giá mía quá rẻ, chỉ từ 1 - 1,5 nghìn đồng/cây mà là mía chọn chứ không phải mua cuốn chiếu cả vườn. Giá bán như vậy thì thua lỗ chắc rồi, bán để dọn vườn, giải phóng đất thôi” - ông Đúng chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Đúng, hộ ông Bùi Văn Sơ, xóm Nhõi Trong duy trì trồng mía hơn chục năm qua. Trước đây, vụ nhiều nhất ông Sơ trồng gần 1 ha mía, mấy năm gần đây duy trì trồng 3.000 m2 mía trắng ép nước. Ông Sơ cho biết, do phù hợp thổ nhưỡng nên mía trắng ép nước có mẫu mã đẹp, độ ngọt cao. Trước đây, có vụ gia đình ông bán được giá 6 nghìn đồng/cây, bình quân dao động từ 4 - 5 nghìn đồng/cây, đem lại thu nhập khá so với các loại cây trồng khác. "Những năm gần đây, giá bán mía khá bấp bênh, nhất là vụ mía năm ngoái và năm nay. Tuy nhiên, không trồng mía thì cũng không biết trồng cây gì cho phù hợp. Chúng tôi rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ cây mía” - ông Sơ bày tỏ.

Huyện Cao Phong có 1.950 ha trồng mía trắng ép nước, đến cuối tháng 5/2021 mới tiêu thụ được khoảng 30% diện tích. Trong khoảng gần một tuần trở lại đây, việc tiêu thụ mía trên địa bàn huyện Cao Phong đã thuận lợi hơn, tuy nhiên giá mía vẫn ở mức thấp. Theo phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, đến nay, huyện đã tiêu thụ được khoảng 85% diện tích mía trắng ép nước. Giáp ranh với huyện Cao Phong, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn huyện Tân Lạc cũng phát triển trồng mía, trong đó có mía trắng ép nước, nhưng diện tích mía cũng đã giảm đáng kể vì đầu ra không ổn định. Vụ mía năm 2020 - 2021, toàn huyện có 1.235 ha, trong đó, mía trắng ép nước 246,8 ha. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, đến nay, mía tím đã thu hoạch và tiêu thụ hết, mía trắng ép nước còn 37 ha đang thu hoạch, hiện cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Giá bán chỉ từ 1 - 2 nghìn đồng/cây, thời điểm đầu vụ đạt từ 2 - 3 nghìn đồng/cây.

Thời tiết nắng nóng, đó cũng là thời điểm "vàng” để người dân tiêu thụ mía trắng ép nước. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng mía mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, liên kết để việc tiêu thụ mía được thuận lợi hơn trong những năm tới.

Viết Đào

Các tin khác


Hiệu quả từ các hoạt động Dự án VIE071

Sau 3 năm triển khai (2021 - 2024), dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (VIE071) đã hoàn thành mục tiêu thành lập 30 câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) trên địa bàn tỉnh. Mô hình sau khi đưa vào hoạt động đã, đang tăng cường sự tham gia của NCT trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng nhu nhập… trong cộng đồng xã hội. Từ đó nhanh chóng thích ứng với xu hướng già hóa dân số, đồng thời giúp NCT sống vui - khỏe - hạnh phúc.

Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục