(HBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã Vạn Mai (Mai Châu) đã chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, triển khai các kế hoạch, duy trì trực 24/24h mỗi khi thời tiết diễn biến xấu nhằm kịp thời ứng phó với tình hình thiên tai, mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
Các đoạn ngầm tràn tại xóm Nghẹ, xã Vạn Mai (Mai Châu) được cảnh báo nguy cơ xảy ra mất an toàn trong mùa mưa bão.
Mùa mưa từ tháng 5 - 10, xã thường xuyên phải hứng chịu các trận mưa, lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân. Xóm Nghẹ, Lọng, Củm nằm bên con suối Mùn, Sia và sông Mã chịu ảnh hưởng mỗi khi nước dâng, nhiều diện tích hoa màu hư hại, giao thông bị cắt đứt. Với mạng lưới sông, suối chằng chịt trên địa bàn, mỗi đợt bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ gây mưa diện rộng, nước chảy xiết, tràn qua các ngầm tại xóm Nghẹ, Củm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người qua lại. Đỉnh điểm cơn lũ quét năm 2017, nước ngập hầu hết các tuyến đường, giao thông bị chia cắt, người dân phải di dời, nhiều nhà cửa ở xóm Thanh Mai, Củm, Nghẹ hư hỏng nghiêm trọng, toàn bộ diện tích lúa, màu, ao cá, vật nuôi bị thiệt hại. Nghiêm trọng hơn, nhiều điểm tại xóm Lọng, Nghẹ có nguy cơ bị lũ ống, sạt lở, đá lăn mỗi khi mưa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân sống dọc chân núi.
Đồng chí Vì Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để chủ động ứng phó thiên tai, giảm bớt hậu quả do mưa lũ, BCH PCTT&TKCN xã đã triển khai thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đồng thời, luyện tập các tình huống có thể xảy ra, nâng cao năng lực xử lý, chỉ huy, điều hành tại chỗ để có biện pháp ứng phó với thiên tai hiệu quả. Hiệp đồng với các lực lượng, xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm phù hợp với cấp độ rủi ro thiên tai. Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình thời tiết, rà soát các điểm có nguy cơ gây mất an toàn tại hồ, đập, ngầm tràn, sườn núi… Quản lý tốt trang thiết bị, vật tư nhằm chủ động mỗi khi có tình huống bất ngờ xảy ra”.
Triển khai thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ của các xóm là nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, thường xuyên cập nhật tình hình tại địa bàn, chỉ đạo của BCH PCTT&TKCN xã, triển khai diễn tập trước mùa mưa bão, điều chỉnh phương án, bố trí nhân lực, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Lực lượng Công an xã phối hợp dân quân các xóm từ 20 người trở lên, chốt chặn 24/24h tại những vị trí nguy cơ mất an toàn như: ngầm xóm Nghẹ, khu Gò Muồng, ngầm tràn có suối Mùn, Sia chảy qua. Đối với điểm nguy cơ sạt lở, đá lăn tại xóm Lọng, Nghẹ, xã chủ động rà soát tình hình, cử cán bộ đến từng hộ tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo qua loa truyền thanh, trống, kẻng, chỉ đạo các lực lượng kịp thời di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn mỗi khi có tình huống xảy ra. Các trang thiết bị, phương tiện trưng dụng được kiểm tra kỹ lưỡng, bảo dưỡng thường xuyên. Công tác hậu cần chuẩn bị chu đáo, yêu cầu người dân dự trữ lương thực, thuốc men đầy đủ tối thiểu trong 10 ngày. Các ngành, đoàn thể, cơ sở y tế chuẩn bị nhân lực, dụng cụ y tế sẵn sàng sơ, cấp cứu người bị nạn, nhanh chóng đưa đến nơi an toàn. Những điểm sơ tán đều phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chỗ ở, bếp ăn, nước sạch, vệ sinh, lương thực dự trữ phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Việc quán triệt, thực hiện phương châm "4 tại chỗ” được xã triển khai chi tiết, hiệu quả, kế hoạch bài bản, qua đó nâng cao nhận thức của người dân, huy động mọi nguồn lực, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão, hạn chế, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân.
Hoàng Anh
Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã gửi kiến nghị lên UBND TP Hồ Chí Minh, trong đó đề nghị giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động từ 6-12 tháng để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
(HBĐT) - Ngày 23/6, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe - chi nhánh Hòa Bình đã tổ chức chương trình ký kết mở các lớp nghề đào tạo trình độ sơ cấp cho người lao động đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
(HBĐT) - Thành Đoàn Hòa Bình vừa tổ chức ra mắt câu lạc bộ (CLB) "Trang trại trẻ thành phố Hòa Bình”. CLB có 4 thành viên là các hội viên, thanh niên đang làm chủ hoặc tham gia quản lý các trang trại sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 3.665 nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gần 700 cháu thế hệ thứ hai bị nhiễm chất độc hóa học này. Phần lớn các gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều khó khăn. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm quan tâm nhưng vẫn không thể bù đắp hết những hậu quả mà chất độc da cam/dioxin để lại.
(HBĐT) - Với hành động chung tay phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Tân Lạc đã tích cực hưởng ứng và tham gia đợt phát động ủng hộ công tác phòng, chống dịch.
(HBĐT) - Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2021 đến nay, việc tiêu thụ mía trắng ép nước gặp rất nhiều khó khăn. Sau vụ mía năm ngoái, đây là vụ mía tiếp theo mà người nông dân lại thở dài, khi giá mía giảm xuống sâu nhất chỉ từ 1 - 2 nghìn đồng/cây mía.