Tiêm vaccine mũi 1 cho các đối tượng theo quy định.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.181.264 người từ 18 tuổi trở lên. Tính đến 17 giờ ngày 15/10, qua 15 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, tỉnh đã tiêm được 770.382 liều. Cụ thể, tiêm mũi 1 là 674.044 liều, đạt 57,06%; tiêm mũi 2 là 96.338 liều, đạt 8,16%.
Chỉ tính riêng công nhân trong các công trình đầu tư công đã có trên 3.700 người được tiêm vaccine, chiếm 85% số lượng công nhân; 10.000/16.000 công nhân ngành xây dựng đã được tiêm vaccine (chiếm trên 63%).
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, Đồng Tháp là một trong số các địa phương trong cả nước có tốc độ tiêm vaccine nhanh. Vì vậy, các đợt tiếp theo cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng - yêu cầu hàng đầu của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. "Đây là điều kiện để chúng ta yên tâm mở cửa, nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục sản xuất. Thêm vào đó, tiêm vaccine càng nhanh thì càng sớm bảo vệ được sức khỏe cho người dân” - ông Lê Quốc Phong nói.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” nhưng cũng phải được phân bổ hợp lý và hiệu quả để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, trong đó phải quan tâm đến việc cân đối phủ vaccine mũi 1 trên diện rộng. Đồng thời, các địa phương và ngành y tế phải nhanh chóng thu thập, cập nhật số liệu thống kê người dân từ 18 tuổi trở lên đang học tập, sinh sống, làm việc trên địa bàn (bao gồm cả nhóm người công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, người tạm trú,…), làm cơ sở để tỉnh điều phối, phân bổ vaccine phù hợp.
Ông Lê Quốc Phong cũng yêu cầu địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ em trong độ tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19, để kịp thời kiến nghị với Bộ Y tế khi có lộ trình hướng dẫn và phân bổ vaccine dành cho đối tượng này.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, đến nay, Đồng Tháp đã ghi nhận 9.065 ca trường hợp dương tính với SARS-COV-2, trong đó có 8.052 bệnh nhân đã được xuất viện, 220 trường hợp tử vong và tỉnh đang điều trị cho 787 người.
Toàn tỉnh hiện có 22 khu vực phong tỏa; có 3 xã ở mức dự báo "Nguy cơ rất cao”, 1 xã "Nguy cơ cao”, 12 xã "Nguy cơ” và 127 xã "Bình thường mới”. Ngoài ra, 3 địa phương gồm huyện Tháp Mười, Tân Hồng, Lấp Vò đã qua 14 ngày trở lên chưa ghi nhận ca mắc cộng đồng và 2 địa phương là thành phố Cao Lãnh, huyện Lai Vung không có ca nhiễm cộng đồng từ 7 ngày trở lên.