Nguyễn Thị Ngần, thôn Nghĩa Kếp, xã Cao Dương (Lương Sơn) bị đưa ra xét xử vì phạm tội nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn gia đình.
Triệu Duyên Kim ở xóm Mường Dao, xã Độc Lập (TP Hoà Bình) suốt ngày chơi bời lêu lổng, rượu chè, cờ bạc, không chí thú làm ăn. Khi bị vợ nhắc nhở lại không tiếc tay dùng đủ thứ hung khí từ gạch, đá, gậy gộc đến cả những con dao sắc lạnh để truy sát vợ. Trong một lần uống bia ở quán về nhà bị vợ nói việc nợ tiền hàng quán không trả để người ta đến nhà đòi. Sẵn hơi men lại chạm vào tự ái, Triệu Duyên Kim đã liên tục dùng nhiều hung khí nhằm gây thương tích cho vợ. Khi nhiều người đến can ngăn Kim mới bỏ đi, vợ Kim được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với người vợ này đến giờ vẫn luôn ám ảnh bởi những trận đòn tàn khốc của người chồng. Còn với Triệu Duyên Kim, bản án 12 năm tù về tội "giết người” là bài học thích đáng cho kẻ có máu côn đồ bất trị.
Cũng từ những trận đòn vô cớ, cô gái trẻ Nguyễn Thị Ngần (SN 2000) ở thôn Nghĩa Kếp, xã Cao Dương (Lương Sơn) đã dại dột trút giận lên gia đình chồng bằng một can xăng đốt nhà và đổ 2 chai thuốc diệt cỏ cực độc xuống giếng nước để đầu độc cả gia đình nhà chồng. Với hành vi phạm tội của mình, cô gái trẻ đang phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật. Mới đây, ngày 30/11, do mâu thuẫn trong cuộc sống, Quách Đình Ánh (SN 1975), trú tại xóm Đồi 2, xã Kim Bôi (Kim Bôi) đã dùng dao nhọn đâm chết vợ.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ giết người, làm 7 người chết. Đáng nói, trong đó nhiều vụ án nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn, bạo lực gia đình, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình giết nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật; giá trị nền tảng gia đình, dòng họ, hương ước chưa được coi trọng. Các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Do vậy, để phòng ngừa hiệu quả tội phạm giết người xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Việc tuyên truyền chú trọng vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thường xuyên sử dụng rượu, bia; những gia đình hay xảy ra mâu thuẫn, bất hòa... Đồng thời, duy trì, xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình hòa giải ở cơ sở, khu dân cư, thôn bản, như "tổ hòa giải”, "tổ an ninh nhân dân”, "tổ phòng, chống tội phạm”... Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư, đặc biệt chú ý đến cách xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn phát sinh ngay tại gia đình...
Mạnh Hùng