Bản chất của quan hệ "sân trước, sân sau” là quan chức bắt tay với DN để: Nếu văn minh, lịch sự và có học thì đó là thao túng trong xây dựng chính sách có lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, đẩy khó khăn, rủi ro cho Nhà nước, xã hội và người dân (lợi ích nhóm); thô thiển hơn và khá phổ biến hiện nay là làm xiếc trong đấu thầu xây dựng, mua sắm đầu tư công, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bảo kê khai thác tài nguyên, khoáng sản… mục đích chung là thông đồng rút ruột ngân sách, tài nguyên đất nước, móc túi dân lành đem chia chác cho nhau.
Với vấn nạn này nếu nói là quá khó để phát hiện và xử lý thì cũng không đến mức như vậy, nhưng nói là dễ thấy thì cũng không đúng vì mối quan hệ này được họ thiết lập cũng rất đúng quy trình, tinh vi, trí trá khó mà bắt bẻ được, nào người nhà, người thân, anh em kết nghĩa, bố mẹ nuôi, anh chị em nuôi... nhưng hoàn toàn có thể chấm dứt được bằng các biện pháp chính trị và pháp luật.
Thực ra, mối quan hệ giữa quan chức với tư cách là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước với DN (thực chất là chủ DN) là chuyện bình thường của công tác lãnh đạo, quản lý, vì vậy cũng không trách DN được vì DN là sức mạnh về kinh tế của một địa phương và cả quốc gia, việc có quan hệ với những người xây dựng và thực thi chính sách là điều hiển nhiên. Cũng lại càng không thể trách quan chức, chuyện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội thì không thể không tiếp xúc, lắng nghe, chia sẻ tháo gỡ khó khăn cho DN, vì DN phát triển thì địa phương cũng phát triển. Điều đáng bàn là có không ít mối quan hệ đã vượt qua ý nghĩa đúng đắn, tốt đẹp của nó và nặng mùi vụ lợi bởi sự suy thoái, lòng tham vô độ của quan chức, vì tiền mà họ bất chấp đạo đức, nhân cách và pháp luật, gây tổn hại cho uy tín của bản thân cán bộ, công chức, nghiêm trọng hơn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ Nhà nước XHCN.
Ấy là chuyện ở nơi khác, còn nơi ta cũng không phải không có những hiện tượng đã được báo chí, dư luận đặt câu hỏi như chính quyền có ưu ái cho doanh nghiệp A, công ty B trúng thầu hàng loạt dự án bất động sản, dự án đầu tư công? Có ai đứng đằng sau những hợp đồng xây lắp, mua sắm công? Hay những câu hỏi đại loại như thế vẫn âm ỉ từ ngày này sang tháng khác, từ địa phương này đến đơn vị kia, từ công trình nọ đến dự án đây. Mặc dù các cơ quan chức năng chưa chỉ ra được tình trạng sân sướng của ai hay sai phạm nghiêm trọng nào, nhưng với người dân thì khác, họ biết tường tận là của ai, ở đâu, làm gì và đó chính là điều may mắn và cũng đáng lo lắng nhất.
Viết bài này, Sổ tay người giám sát chỉ muốn lưu ý một điều rằng: "sân trước - sân sau” không hề là cách chơi thời thượng như một vài người đang nghĩ, đã hoặc đang làm, mà đó là cái bẫy, cái bẫy tiền bạc để đưa cán bộ, công chức vào con đường suy thoái, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xin dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn cán bộ, đảng viên để kết thúc bài viết cho mọi người cùng suy ngẫm: "Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
N.T.S