(HBĐT) - Có dịp đến xứ đạo Đồng Gianh, xã Phú Thành (Lạc Thủy) vào thời điểm trước thềm Tết Nguyên Đán Nhâm Dần. Sải bước trên con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, hai bên đường hoa xuân đang kỳ nở rộ. Người người, nhà nhà đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón Tết. Xuân đang về trên đường phố, trong từng con ngõ nhỏ, len lỏi niềm vui đến mỗi gia đình.
Giáo dân Chính xứ Đồng Danh cùng gói bánh
chưng tặng các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Thành (Lạc
Thủy).
Theo chân
đồng chí Quách Tuấn Ngọc, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Phú Thành, chúng tôi đến xứ
đạo Đồng Danh. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà thờ mới
được xây dựng lại khang trang. Sau lễ Noel, bà con Giáo dân đang tưng bừng
chuẩn bị đón Tết. Từng cành đào, cây quất được mọi người mang về trưng tại nơi
trang trọng nhất trong nhà. Công việc thường ngày được tạm gác lại để dọn dẹp
nhà cửa, đón chào năm mới. Đồng chí Quách Tuấn Ngọc cho biết: Tại xã Phú Thành
hiện có 31,7% đồng bào Công giáo trên tổng số hơn 8.000 dân, chủ yếu sinh sống
tại các thôn Đồng Danh, Lũ, Tân Lâm và một số ít ở các thôn Sỏi, Tân Phú. Trong
năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn nhưng
bà con giáo dân luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước theo tinh thần "kính Chúa, yêu nước”. Chung sống hòa thuận,
đoàn kết, cùng thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, thường xuyên chia
sẻ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Năm
nay, do thời điểm trước Tết mưa thuận, gió hòa, bà con giáo dân đã chủ động
xuống đồng để cấy lúa vụ xuân hè, đồng thời hối hả hoàn thành các công việc trong
năm cũ để đón một năm mới với những sự khởi đầu mới.
Theo ông Trần Truyền Giáo, Linh mục chính xứ Đồng Danh: Tết là dịp để gia đình
sum vầy, con cháu phương xa hội ngộ. Tết Nguyên đán còn là thời khắc thiêng
liêng để người Công giáo đọc kinh cầu nguyện cho một năm mới an lành, yên vui.
Chiều 30 Tết, tất cả giáo dân tới nhà thờ để cầu nguyện cảm ơn Chúa trời đã ban
phước cho bản thân, gia đình một năm an lành, đồng thời gửi lên Chúa những tâm
tình, ước vọng trong năm mới. Sau đó, trở về nhà, dành 15 - 20 phút để đọc kinh
cầu nguyện tại gia cầu cho tổ tiên những người đã khuất được an lành. Kết thúc
phần nghi lễ cầu nguyện, tất cả con cháu quây quần bên mâm cơm tất niên. Thông
qua bữa cơm, là lúc những nỗi niềm năm cũ được gác lại, mọi ước nguyện trong năm
mới được gia đình chia sẻ cùng nhau. Ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết là những
ngày có niềm vui đặc biệt trong năm.
Với quan niệm Tết của niềm vui, của tình thương, lòng hiếu kính và sự trở về.
Vào ngày 25 tháng Chạp vừa qua, bà con giáo dân đã cùng gói 500 chiếc bánh
chưng để chia sẻ cho hơn 200 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Vui
xuân nhưng không quên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
bệnh cũng là một trong những điều bà con luôn được lưu ý. Đối với những gia
đình có con, em đang sinh sống, công tác tại các địa bàn có dịch bệnh phức tạp
nên vận động con, em ở lại ăn Tết tại nơi làm việc. Nếu có trở về địa phương,
cần đến trạm y tế khai báo và làm test nhanh trước khi trở về nhà. Đồng thời
hạn chế tiếp xúc rộng rãi để đảm bảo an toàn. Linh mục cũng nhắc nhở bà con khi
đi lễ tại nhà thờ cần tuân thủ khuyến cáo "5K”, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay
và luôn giữ khoảng cách 2m với người khác.
Nếu như ngày lễ Giáng sinh lâu nay đã trở thành một lễ hội, thì Tết cổ truyền
cũng đã trở thành một ngày Tết cho tất cả mọi người, không phân biệt "đạo” với
"đời”. Tết đến, xuân về, trên khắp các nẻo đường quê, niềm hân hoan, phấn khởi
lộ rõ trên những gương mặt người dân xứ đạo. Tết Nguyên đán là dịp để họ đọc
kinh cầu nguyện dâng lên Chúa trời, tổ tiên với một niềm tin về năm mới an
lành, hạnh phúc.
Khánh
Linh (TTV)