Ngay từ những ngày đầu xuân, công trường thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã rộn rã tiếng máy. Các kỹ sư, công nhân đã bắt tay ngay vào công việc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.


Tập trung thi công tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (Quảng Ninh) trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. (Ảnh QUANG THỌ)

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trên công trường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên vẫn nhộn nhịp tiếng máy với hàng trăm công nhân, cán bộ của các nhà thầu đang bám công trường nỗ lực thi công xuyên Tết với quyết tâm cao đưa tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái vào sử dụng trong quý II năm 2022.

Cố gắng hoàn thành vượt tiến độ

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là "mảnh ghép” cuối cùng để Quảng Ninh hoàn thành tuyến cao tốc ven biển dài nhất Việt Nam kết nối ba khu kinh tế của tỉnh gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tạo động lực giúp khu vực miền đông của Quảng Ninh tăng trưởng nhanh hơn, kéo gần khoảng cách về kinh tế-xã hội với các địa phương khác của tỉnh. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Khánh cho biết, chủ đầu tư và các nhà thầu không để công trường nghỉ dù chỉ một ngày. Để hoàn thành tiến độ công trình vào đúng tháng 3/2022 theo chỉ đạo của tỉnh, các nhà thầu đã huy động 300 kỹ sư, công nhân, chia làm 5 mũi thi công xuyên Tết, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo điều kiện để tăng tốc thi công ngay sau Tết.

Anh Trần Văn Ngọc, chỉ huy trưởng công trường cầu Đài Xuyên 1 cho biết, mặc dù ai cũng muốn được sum vầy bên gia đình trong ngày Tết, nhưng với quyết tâm sớm đưa công trình vào sử dụng đúng thời gian, nên anh em bám trụ trên công trường làm việc xuyên Tết. Anh Thái Văn Dương, cán bộ Công ty cổ phần 471 chia sẻ, xác định ở lại đón Tết tại công trường nên công ty tổ chức làm tăng ca, bố trí máy móc, thiết bị làm hết công suất, không có ngày nghỉ để bảo đảm tiến độ đã cam kết với tỉnh Quảng Ninh. Với sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh và sự đồng hành, quyết tâm của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các dự án, công trình trọng điểm của Quảng Ninh đang bứt tốc về đích ngay trong trong quý II năm 2022.

Ngày 8/2 (mồng 8 Tết Nhâm Dần), dù thời tiết mưa rét, nhưng tại công trường dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hơn 250 công nhân vẫn miệt mài làm việc. Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công ba ca liên tục và đến nay khối lượng trên công trường ước đạt khoảng 45%. Kết quả giải ngân dự án trong năm 2021 đạt 130%. Đến thời điểm này, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thành xây dựng 558/562 cọc khoan nhồi; 56/61 bệ, thân trụ; đúc 234/396 phiến dầm Super T và lắp đặt thành công dầm Super T tại 23/44 nhịp…

Gói thầu số 1 thi công hạng mục phức tạp nhất, với bốn trụ cầu bắc qua sông Hồng do nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công đã bám sát được tiến độ, khắc phục khó khăn do địa chất phức tạp dưới lòng sông để vượt lũ thành công. "Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022; hoàn thành hợp long các nhịp chính trước ngày 30/4/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2023”, ông Nguyễn Chí Cường nói.

Tại dự án đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng, từ ngày 8/2, hơn 400 kỹ sư, công nhân đã tổ chức thi công ba ca liên tục, đồng thời bảo đảm nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Khương (đại diện nhà đầu tư) cho biết, hiện dự án đã thực hiện được hơn 65% khối lượng công việc. Trong đó, gói thầu số 1 từ cầu Vĩnh Tuy đến chợ Mơ đã hoàn thành 89% khối lượng, hiện đang thi công các công trình tiện ích, lan-can chống ồn. Đối với phần đường trên cao từ chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng, các đơn vị đang tập trung năm mũi thi công, phấn đấu hợp long phần khó nhất là đoạn vượt qua Ngã Tư Vọng vào ngày 22/2/2022.

Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành năm 2023, tuy nhiên nhà đầu tư đang phấn đấu thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022, vượt tiến độ khoảng 10 tháng. Kiểm tra tiến độ thi công tại dự án này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá, dự án có tiến độ khả quan, chất lượng đáp ứng yêu cầu. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu tham gia thi công trên công trường. Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã rất quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án triển khai được thuận lợi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Tập đoàn Vingroup- Công ty CP quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát tốt yêu cầu về chất lượng. Đồng chí giao các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để dự án sớm hoàn thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại cho Thủ đô.

Rốt ráo chuẩn bị đầu tư nhiều dự án mới

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, du khách từ Hà Nội và các tỉnh về Hải Phòng từ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng không phải đi vòng vèo như trước, mà đi vào thẳng trung tâm thành phố qua cây cầu hiện đại với dáng hình cách điệu của những bông phượng đỏ trên con sóng vươn ra biển lớn. Đó là cầu Rào mới- cây cầu trị giá hơn 2.200 tỷ đồng vừa mới thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán mấy ngày. Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Tuấn Anh cho hay, công trình cầu Rào hoàn thành là kết quả từ nỗ lực của những người thợ cầu Việt Nam giữa đại dịch Covid-19. Trước vô vàn khó khăn do tác động của dịch bệnh, công trình giao thông trọng điểm này vẫn hoàn thành đúng hạn sau hơn một năm thi công.

Hơn 300 kỹ sư, công nhân các đơn vị thi công đã làm việc miệt mài không kể ngày đêm để xây dựng nên cầu vòm thép hiện đại được hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, giúp người dân đi lại thuận tiện. Trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, các đơn vị thi công thực hiện nốt những hạng mục phụ trợ của dự án như: lan-can cầu thang bộ, công viên, cây xanh tại các đảo giao thông, vỉa hè trên các tuyến đường dẫn… bảo đảm hoàn thiện công trình trong tháng 4/2022.

Cùng thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần với cầu Rào là tuyến đường Đông Khê 2- chính thức xóa tên của dự án này trong danh sách các công trình "treo” của Hải Phòng sau gần 10 năm trời, phục vụ nhân dân đi lại vui Tết, đón xuân. Những hạng mục còn lại là rải lớp bê-tông nhựa hạt mịn cuối cùng và hoàn thiện nốt phần vỉa hè đang thi công dang dở sẽ được triển khai khi đợt mưa xuân chấm dứt.

Các dự án trọng điểm khác trên địa bàn Hải Phòng như: tuyến đường bộ ven biển, cải tạo quốc lộ 10, sân đỗ máy bay và nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cũng đang giữ vững nhịp độ thi công. Tại tuyến đường ven biển Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhà đầu tư dự án huy động tối đa thiết bị, phương tiện, lực lượng để rút ngắn tiến độ xuống còn từ 10-12 tháng, thay vì 15 tháng như ban đầu, phấn đấu hoàn thành tuyến đường trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Để tăng tốc, nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nguồn lực nhanh chóng xây dựng những cây cầu trong dự án, lấy đó làm điểm tựa để phát triển các hạng mục tiếp theo. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh quy hoạch tuyến đường, kéo dài thêm 8,5 km để nối vào tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng- Hạ Long và đường Tân Vũ-Lạch Huyện nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Vừa tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm nối tiếp, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn dự kiến, thành phố Hải Phòng cũng rốt ráo chuẩn bị đầu tư các công trình lớn khác để khởi công trong năm 2022. Các dự án cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm, cầu Rừng kết nối với Quảng Ninh, có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang được tổ chức khảo sát, thiết kế để có thể khởi công giữa năm 2022.

Cùng với các công trình cầu, các dự án lớn khác cũng đang được thành phố tích cực chuẩn bị để khởi công xây dựng là Trung tâm Chính trị-hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Trung tâm Hội nghị-biểu diễn thành phố; Khu chung cư Vạn Mỹ; nhà máy xử lý nước thải, hệ thống tín hiệu giao thông và công viên ven sông Cấm...

Một khí thế mới đang rộn rã trên các công trình trọng điểm, tô điểm thêm hương sắc mùa xuân trên khắp mọi miền đất nước. Các công trình như những điểm nhấn thể hiện khí thế và quyết tâm của các ngành, các cấp, các địa phương cùng nỗ lực xây dựng đất nước ngày càng hiện đại, khang trang và giàu mạnh.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Giá vé máy bay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Dù Vietnam Airlines Group và nhiều hãng hàng không tăng thêm chuyến bay trên 14 đường bay nội địa đông khách sau kỳ nghỉ Tết, giá vé máy bay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bưu điện tỉnh: Phục vụ, gắn kết cộng đồng bằng dịch vụ “chất lượng, thân thiện, hiện đại”

(HBĐT) - Thời gian qua, Bưu điện tỉnh (BĐT) đã nỗ lực khắc phục và vượt qua khó khăn, tranh thủ thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ bưu chính công ích và kinh doanh trên địa bàn. Qua đó tạo bước đột phá trong triển khai cung cấp các dịch vụ.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

(HBĐT) - Theo Nghị định số 108 của Chính phủ, người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng lên 7,4% so với tháng 12/2021. Mức tăng này áp dụng từ ngày 1/1/2022.

An vui xuân bình thường mới

(HBĐT) - Xuân Nhâm Dần 2022 đã ngập tràn quê hương Hòa Bình. Đêm giao thừa đón xuân, các chương trình văn nghệ chào xuân trực tiếp, bắn pháo hoa đều hoãn để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, nhưng khắp nơi trong tỉnh đều cảm nhận không khí rộn ràng, an vui đón xuân bình thường mới với niềm tin và ước vọng về một năm mới an lành, tươi sáng.

Người dân trở lại các đô thị lớn sau kỳ nghỉ Tết

Từ sáng 6/2, người dân từ các địa phương đổ dồn về cửa ngõ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để làm việc, học tập sau kỳ nghỉ dài, lượng ô-tô, xe máy tăng đột biến, khiến nhiều đoạn tuyến bị ùn tắc giao thông.

Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Với tinh thần lấy người dân là "trung tâm”, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục