Anh Bùi Văn Mến, xóm Pang, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) đưa giống bưởi đỏ Tân Lạc về trồng tại địa phương cho thu hoạch ổn định.
Đoàn xã Cuối Hạ hiện quản lý 132 đoàn viên, sinh hoạt ở 8 chi đoàn khu dân cư, ngoài ra còn có 2 chi đoàn trường học. Là địa bàn còn nhiều khó khăn, để nâng cao thu nhập, nhiều ĐVTN trên địa bàn lựa chọn đi làm xa tại các khu công nghiệp, nhưng cũng có nhiều ĐVTN mạnh dạn tìm cho mình hướng phát triển kinh tế để lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.
Tuy nhiên, con đường lập nghiệp cho thanh niên địa phương không dễ dàng. Đồng chí Bí thư Đoàn xã Bùi Ngọc Huy cho biết: "Thanh niên thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và kiến thức về thị trường. Nguồn vốn vay hạn chế, trong khi nhiều ĐVTN có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Hơn nữa, đa số thanh niên sống phụ thuộc, chưa có tài sản thế chấp và diện tích đất sản xuất để thực hiện mô hình kinh tế còn ít. Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, mở rộng và phát triển sản xuất còn lúng túng. Do đó, các mô hình kinh tế của thanh niên chỉ dừng ở mức manh mún, nhỏ lẻ”.
Hiện nay, thanh niên địa phương chủ yếu phát triển mô hình chăn nuôi và trồng trọt, một số mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ với khoảng 10 đoàn viên đi tiên phong. Nhằm giúp thanh niên thuận lợi hơn trong bước đầu khởi nghiệp, Đoàn xã đã hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện. Đến nay, tổng dư nợ mà Đoàn xã quản lý là 6 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều ĐVTN đã chuyển đổi hiệu quả mô hình kinh tế như: Bùi Văn Dự, xóm Chạo với mô hình chăn nuôi gà, lợn; Bùi Hiền Lương, xóm Lựng với mô hình mở nhà xưởng cơ khí bắn lắp mái tôn tại nhà… Là người mạnh dạn thực hiện ý tưởng đưa bưởi đỏ Tân Lạc về trồng tại địa phương, thanh niên Bùi Văn Mến, xóm Pang chia sẻ: "Bước đầu, tôi trồng 50 gốc bưởi đỏ Tân Lạc, cho thu 3.000 quả/vụ. Một thời gian nữa hiệu quả và năng suất ổn định, tôi sẽ tìm phương án để nhân rộng quy mô của mô hình và chia sẻ kinh nghiệm với những ai có cùng mục tiêu thực hiện”.
Để số vốn vay phát huy hiệu quả, Đoàn xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, động viên ĐV-TN địa phương tích cực thực hiện các mô hình phù hợp với khả năng. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn thường xuyên. Từ đó làm cơ sở, căn cứ để thông tin, trao đổi với Ngân hàng CSXH về việc sử dụng vốn vay của thanh niên có đúng mục đích hay đem lại hiệu quả thực tế không. Ngoài ra, Đoàn xã cũng thường xuyên cập nhật mới cho ĐV-TN các chương trình giới thiệu, tư vấn việc làm tại các sàn giao dịch việc làm do Huyện Đoàn và các doanh nghiệp tổ chức từ 1-2 lần/năm.
Theo đồng chí Bí thư Đoàn xã, thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục đề xuất cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ, phấn đấu xây dựng được mô hình điểm thanh niên làm kinh tế giỏi. Liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của thanh niên. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên. Chú trọng phối hợp đào tạo nghề và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi làm cơ sở để đưa các mô hình kinh tế phù hợp và nhân rộng tại địa phương.
Thanh Sơn