Sau hơn 30 năm định cư, gia đình ông Đinh Công Son (thứ 3 từ phải sang), thôn Bắc Phong, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã "lạc nghiệp" ở vùng đất mới.
Năm 1991, thực hiện chính sách di dân, phục vụ xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, theo tiếng gọi của Đảng, hàng trăm hộ dân của huyện Đà Bắc đã di cư vào các xã: Sa Loong, Pờ Y, Đắk Xú, Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) làm nên một xứ Mường nơi địa đầu Tổ quốc. Với những tên làng, tên bản, cồng chiêng hay nhà sàn, "đặc sản” văn hóa Mường lại được gắn chặt, hòa quyện và thổi bùng lên trên vùng đất mới.
Từ trung tâm huyện Ngọc Hồi vượt qua những sườn đồi bát úp mượt một màu xanh của cao su và cà phê là đến xã biên giới Pờ Y. Ông Quách Công Son (63 tuổi), thôn Bắc Phong cho biết: Năm 1991, gia đình tôi cùng 40 hộ khác đã tình nguyện đi trước, khi đi mỗi hộ được phát 6 tháng gạo, mắm, muối, dụng cụ lao động sản xuất. Những căn nhà tạm bằng tranh vách nứa được chính quyền sở tại dựng lên. Khi nỗi nhớ quê hương chưa hết nguôi ngoai, lương thực ngày một cạn kiệt thì dịch bệnh sốt rét bùng phát. "Hồi đó sốt rét hoành hành mà ai cũng nghĩ là bị ma ám. Có ngày trong làng chết 2 - 3 người. Nhiều gia đình lo sợ phải sơ tán, hoặc quay về quê, chẳng ai còn muốn ở lại” - ông Son trầm ngâm nhớ lại.
Rồi nỗi sợ hãi của người dân cũng dần tan, khi những cái chết bí ẩn được đoàn công tác của Bộ Y tế "giải mã” do căn bệnh sốt rét. Tưởng chừng như chẳng còn ai dám bám trụ, đối mặt với sốt rét thì sự động viên kịp thời của chính quyền, sự bao bọc của người dân bản địa như tiếp thêm sức mạnh để họ bền bỉ vươn lên. Cố gắng lao động, cần cù, chịu khó, đến nay gia đình ông Son sở hữu 15 ha trồng cây cao su và cà phê, mỗi năm thu nhập từ 2 loại cây trên khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài hộ ông Son còn có các hộ: Xa Văn Điền, Hoàng Công Lương, thôn Hào Lý, xã Sa Loong; Bùi Văn Định, Đinh Văn Thiệu, thôn Hào Phú, xã Đắk Kan có thu nhập từ cây cao su và cà phê từ 400 - 600 triệu đồng mỗi năm.
Những cái tên như: Hào Phú, Hào Lý, Cao Sơn, Bắc Phong, Thung Nai... giờ dễ dàng nhận ra không chỉ có ở Hòa Bình mà tận Tây Nguyên xa xôi cũng có. Ông Xa Văn Khoa, Bí thư chi bộ thôn Bắc Phong tâm sự: Bà con đi xa nhưng không quên mang theo linh hồn xứ sở, cách đặt tên thôn, làng như vậy là để vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Nhưng ý nghĩa và đặc sắc nhất vẫn là Tết Độc lập 2/9, dọc các xã phên dậu rực một màu cờ hoa được bà con cộng đồng người Mường trang trí. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng đến ngày 2/9, mọi người lại sum họp tổ chức đón Tết Độc lập.
Theo thống kê, hiện toàn huyện Ngọc Hồi có khoảng 4.000 hộ dân người Mường sinh sống tại 5/8 xã, thị trấn. Với đức tính cần cù, chịu khó, những năm qua họ cùng với 16 dân tộc khác xây dựng huyện Ngọc Hồi không chỉ phát triển về kinh tế mà còn hợp sức cùng chính quyền, bộ đội biên phòng dựng xây một vùng phên dậu vững chắc. Ngoài tham gia công nhân cao su, cà phê của Công ty 732 (Binh đoàn 15), hiện nay có hàng nghìn ha cao su, cà phê, ruộng lúa nước đều thuộc quyền sở hữu của người Mường Đà Bắc. Như lời ông Bùi Văn Hiến, trưởng thôn Hào Lý, xã Sa Loong khoe: Vào quê hương Ngọc Hồi lập nghiệp với hai bàn tay trắng nhưng hiện đã có nhiều người dân trở thành tỷ phú. Hay như nhận xét của đồng chí Phạm Hải Châu, Phó Bí thư TT Huyện ủy Ngọc Hồi: Bà con người Mường từ Hòa Bình vào rất cần cù, chịu khó, hòa đồng và đặc biệt có ý thức về chủ quyền biên giới.
Ngày nay đi khắp vùng cực Bắc Tây Nguyên có thể thấy, mảnh đất Ngọc Hồi thay đổi từng ngày. Và trong sự sung túc, no đủ ấy có sự góp công rất lớn của cộng đồng người Mường Đà Bắc - Hòa Bình đã vào định cư từ hơn 30 năm về trước.
Thế Anh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)