(HBĐT) - Đồng hành cùng hộ nghèo từ những ngày họ gian khó nhất, tín dụng chính sách thực sự trở thành người bạn tri kỷ, "bà đỡ” mát tay để hàng nghìn hộ dân khó khăn trên địa bàn tỉnh có động lực phát triển kinh tế, thoát khỏi diện nghèo.
Nhờ vốn chính sách, gia đình ông Hà Văn Niên, xóm Ngõa, xã Mai Hịch (Mai Châu) có vốn đầu tư chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với khát vọng làm giàu ngay trên quê hương, ông Hà Văn Nhượng, khu Hồng Dương, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) tự nhủ phải cố gắng lao động để vượt qua đói nghèo. Song, để chuyển đổi sản xuất thì yếu tố đầu tiên cần phải có đó là vốn đầu tư. Ông Nhượng trăn trở, nếu vay vốn ngân hàng thương mại thì lãi suất cao, phải thế chấp tài sản. Rất may, tháng 3/2017, được cán bộ phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Lạc hướng dẫn tận tình về thủ tục, gia đình ông Nhượng đã được vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ áp dụng KHKT vào chăn nuôi, bò phát triển và sinh sản tốt. Đến năm 2020, gia đình ông Nhượng đã bán 2 con bò để trả số tiền vay cho NHCSXH huyện, sửa chữa lại nhà cửa và mua sắm một số vật dụng trong gia đình.
Cuối năm 2021, khi kinh tế gia đình gặp khó khăn vì dịch Covid-19, ông Nhượng được NHCSXH tiếp sức kịp thời từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Với số tiền được vay 50 triệu đồng, ông Nhượng tăng đàn trâu, bò lên 8 con, trồng thêm 1 ha cỏ voi để chăn nuôi. "Vốn vay ưu đãi của NHCSXH có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi. Nhờ có vốn vay này gia đình đầu tư phát triển kinh tế, dần có được thu nhập ổn định hơn. Trong những năm tới, gia đình tiếp tục phát triển chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Nhượng chia sẻ.
Hành trình thoát nghèo của gia đình ông Hà Văn Nịu, xóm Bùi Nước, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) cũng ghi đậm dấu ấn của tín dụng chính sách. Thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2017, gia đình ông Nịu được NHCSXH huyện Tân Lạc tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Khi con trai ông Nịu thi đỗ đại học, NHCSXH huyện cho vay vốn học sinh, sinh viên. Gần đây nhất, khi đã thoát nghèo, gia đình ông tiếp tục làm đơn xin vay vốn và được giải ngân 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu và lợn nái. Nhìn lại thành quả sau nhiều năm được tín dụng chính sách đồng hành, ông Nịu phấn khởi chia sẻ: "Kinh tế của gia đình tôi đã cải thiện nhiều so với trước khi được vay vốn của NHCSXH. Đặc biệt, con trai tôi đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, NHCSXH và các cấp chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ vốn ưu đãi để có được cuộc sống như ngày hôm nay”.
Hay như gia đình ông Hà Văn Niên, xóm Ngõa, xã Mai Hịch (Mai Châu) cũng đã có những bước tiến vững chắc trong hành trình vượt lên đói, nghèo. Ở vùng quê Mai Hịch, có nhiều hộ kinh tế còn khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Từ khi có tín dụng chính sách, bộ mặt làng quê ngày càng đổi thay tích cực. Đối với gia đình ông Niên, năm 2014, được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH đã giúp gia đình ông thỏa niềm mong ước bấy lâu, đó là mua được trâu để nuôi sinh sản. Sau này, được tạo điều kiện vay thêm 50 triệu đồng, gia đình ông Niên tiếp tục đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Đến nay, gia đình ông có 3 con trâu, 4 con bò và nuôi thêm lợn rừng lai, gà đẻ trứng, vịt cổ xanh. "Nhờ có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình tôi đã có cuộc sống khá hơn, nhà cửa khang trang, con cái được học hành tử tế” - ông Niên cho biết.
Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, trong 20 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có trên 116 nghìn lượt hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn chính sách. Với sự hỗ trợ liên tục, dài hơi của tín dụng ưu đãi đã giúp hộ khó khăn giảm nghèo bền vững. Từ cho vay hộ nghèo, đến khi thoát khỏi hộ nghèo, các hộ dân tiếp tục được tiếp cận các chương trình vay vốn khác nên công cuộc thoát nghèo không bị gián đoạn. Các hộ vay đánh giá cao thủ tục vay vốn của NHCSXH đơn giản, lãi suất ưu đãi, cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ của tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức nhận ủy thác để hộ dân sử dụng vốn hiệu quả.
Viết Đào