Hợp tác xã mây tre đan truyền thống xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 50 lao động.
Ở mùa vụ mới đây, nhờ chuyển đổi 1.000 m2 đất ruộng sang trồng cây lấy hạt chất lượng cao mà gia đình anh Bùi Văn Quyn, xóm Vó Trên có được niềm vui hơn mong đợi. Anh Quyn phấn khởi cho biết: Chỉ với 3 tháng thời vụ sản xuất, gia đình thu về hơn 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí phân bón, vật tư, kỹ thuật, cây lấy hạt cho lợi nhuận cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Không riêng xóm Vó Trên, nông dân các xóm Vó Giữa, Vó Dò đang chuyển đổi khá mạnh theo hướng tăng diện tích trồng bí đỏ, mướp đắng lấy hạt. Thông qua hoạt động liên kết với Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát đã mở rộng vùng trồng cây lấy hạt chất lượng cao. Sản phẩm của nông dân được bao tiêu, đảm bảo giá trị thu nhập bền vững. Hiện nay, diện tích trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt ở các xóm đạt trên 14 ha, bình quân thu nhập đạt 180 - 200 triệu đồng/ha.
Các hộ làm nông nghiệp còn đa dạng chuyển đổi diện tích đất ruộng, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có múi và trồng sả, cây dược liệu, kết hợp chăn nuôi lợn, gà thương phẩm và phát triển đàn ong. Đồng hành với người dân, nguồn vốn tín dụng ưu đãi luôn kịp thời hỗ trợ thông qua các tổ chức hội, đoàn thể của nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh. Đến thời điểm này, toàn xã có tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội 18 tỷ đồng; Ngân hàng NN&PTNT trên 50 tỷ đồng. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Nhân dân trong xã tích cực mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đây cũng là một trong những xã có thế mạnh về làng nghề mây tre đan truyền thống. Theo đồng chí Bùi Lý Tưởng, Chủ tịch UBND xã, nghề mây tre đan tạo việc làm, thu nhập chính cho khoảng 260 lao động, thu hút gần 600 lao động thời vụ ở địa phương. Trên địa bàn thành lập 1 HTX, 5 tổ hợp tác, tạo được bước phát triển mới trong hoạt động tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, ổn định nghề. Tiêu biểu là HTX mây tre đan xóm Bui tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 50 thành viên. Cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Bùi Văn Quỳnh, xóm Bui tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động; phối hợp tốt với LĐLĐ, Hội LHPN huyện tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ các xã: Vũ Lâm, Yên Phú, Văn Sơn và thị trấn Vụ Bản, từng bước góp phần mở rộng vùng sản xuất nghề mây tre đan ra toàn huyện.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, Nhân Nghĩa được coi là trung tâm của vùng Cộng Hoà và đang trên lộ trình xây dựng, phấn đấu trở thành thị trấn Mường Vó vào năm 2025. Cùng với nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, các giải pháp thúc đẩy giảm nghèo bền vững được địa phương hết sức quan tâm, tạo diện mạo phát triển KT-XH. Hiện nay, ngành nghề thương mại, dịch vụ từng bước mở rộng cả về quy mô, chất lượng, chiếm tỷ trọng hơn 15%, chủ yếu ở các xóm, phố: Vó, Tiền Phong, Tân Thành, Bui… Một số doanh nghiệp được thu hút đầu tư trên địa bàn trong lĩnh vực may mặc, mây tre đan, vật liệu xây dựng, tạo được nhiều việc làm tại chỗ và thu nhập cho lao động, giảm tình trạng lao động phải đi làm xa. Xã đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12%.
Bùi Minh